Tạo đà cho hàng Việt gia tăng mở rộng thị phần ở thị trường Mỹ
Với đà tăng trưởng xuất khẩu tích cực từ đầu năm đến nay, hàng hóa của Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ trong thời gian tới. Điều này đến từ nhu cầu tiêu dùng khởi sắc, cơ hội từ những cuộc chiến thương mại leo thang, cũng như mong đợi Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhằm cạnh tranh bình đẳng, giảm tần suất kiện tụng chống bán phá giá hay các đòn phòng vệ thương mại.
Báo cáo cập nhật về ngành hàng cá tra trong hạ tuần tháng 7/2024 của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ là “điểm sáng” nửa cuối năm 2024.
Rộng đường như cá tra và đồ gỗ
“Điểm sáng” này bắt nguồn từ 4 lý do. Thứ nhất là việc Mỹ cấm các sản phẩm thủy sản từ Nga và có nguồn gốc từ Nga; Thứ hai là hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá POR19; Thứ ba là hy vọng Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu; Thứ tư là kỳ vọng nhu cầu tăng trong quý 3/2024, trước khi Mỹ bước vào các dịp lễ lớn vào cuối năm (Lễ Tạ Ơn, Giáng sinh).
Xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng cuối năm nay.
Hiện nay Mỹ là thị trường lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Giá trị XK cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích nhận định việc Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam XK sang Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn cung cá rô phi đang thiếu hụt tại thị trường Mỹ khiến giá bán tăng cao. Nhờ lợi thế về giá cả cạnh tranh, cá tra có thể trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho cá rô phi. Điều này kỳ vọng sẽ giúp các DN cá tra của Việt Nam gia tăng XK tại thị trường chủ chốt này trong thời gian tới.
Hoặc như với XK đồ gỗ và nội thất. Nhiều DN lớn trong ngành hàng này cho biết đã có được đơn hàng XK vào Mỹ cho đến cuối năm nay. Nhất là Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất nhằm kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ sẽ tăng mạnh mẽ.
Không những vậy, hồi giữa tháng 7/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này sẽ giúp XK đồ gỗ của Việt Nam rộng đường vào Mỹ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.
Hơn nữa, trong một báo cáo mới do Allied Market Research công bố gần đây cho thấy, Bắc Mỹ hiện là thị trường lớn nhất cho các DN ngành gỗ nội thất với dự kiến sẽ đạt 400.068,8 triệu USD vào năm 2030, đạt tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 4,9%). Trong đó, Mỹ chiếm khoảng 64,4% quy mô thị trường đồ nội thất Bắc Mỹ và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,1%.
Với triển vọng như vậy, thời gian tới các DN xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam được mong đợi sẽ tiếp tục nắm bắt các cơ hội tại thị trường Mỹ để mở rộng thị phần. Điều này cũng đòi hỏi các DN cần có giá cả hợp lý và đáp ứng, theo kịp những thay đổi về thị hiếu, xu hướng mới nhất của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất.
Vẫn chờ được công nhận là nền kinh tế thị trường
Ngoài triển vọng cho XK cá tra hay đồ gỗ nội thất, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 7/2024, khi bàn về vấn đề tăng trưởng XK trong thời gian tới, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV đã kỳ vọng hàng hóa XK của Việt Nam sẽ mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến căng thẳng, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề.
Hơn thế nữa, phía KBSV cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo đó hàng hóa XK của Việt Nam sẽ có thể cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia khác khi không còn bị đánh thuế chống bán phá giá cao.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa (Đại học RMIT), để giành lại sức cạnh tranh cho hàng hóa XK, Việt Nam đã nỗ lực để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Với những nỗ lực đã thực hiện cùng sự ghi nhận của những đối tác lớn, Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường.
Như chia sẻ của bà Hòa, từ phía Việt Nam, sau hơn hai thập kỷ chịu bất lợi trong những vụ kiện chống bán phá giá, việc được Mỹ công nhận sẽ “giải phóng” những trở ngại cho XK của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các đối tác còn lại công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Thực tế cho thấy những bất lợi đến với hàng Việt trên thị trường Mỹ trước những vụ kiện chống bán phá giá hay các đòn phòng vệ thương mại là điều thấy rõ trong nhiều năm nay. Nếu tính riêng từ đầu 2023 đến tháng 7/2024 Mỹ đã điều tra 64 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa XK của Việt Nam (chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng XK của Việt Nam).
Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Hải quan đã thể hiện trong nửa năm qua Mỹ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong các thị trường XK của Việt Nam (đạt 55,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,2% trong tổng kim ngạch XK của cả nước) và có mức tăng mạnh nhất (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước).
Tuy vậy, vẫn còn đó các rào cản thương mại gia tăng, quy định khắt khe, áp lực cạnh tranh gay gắt, giá cước vận chuyển tăng…được ví như những chướng ngại vật khó tránh cho hàng Việt khi muốn tạo đà mở rộng thị phần ở Mỹ trong thời gian tới.
Cho nên, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp hàng Việt được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do Mỹ điều tra, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp XK.
Hơn nữa, như lưu ý của bà Hòa, thương mại tự do sẽ mang lợi ích lớn cho người tiêu dùng, như hạ giá sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn, thúc đẩy hợp tác Việt - Mỹ cùng mở rộng thị trường, mặc dù có thể một vài nhóm ngành sản xuất nội địa sẽ không nhận được bảo hộ nữa.
“Mỹ cần tận dụng cơ hội để tiếp tục xây dựng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của Mỹ cũng đang tận dụng những hiệp định thương mại mà họ đã ký kết với Việt Nam”, vị chuyên gia của RMIT nói.