Tạo đà cho phát triển công nghiệp bền vững
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, nhưng nhờ phát huy tiềm năng và khoáng sản, ngành công nghiệp Lào Cai đã có những bước phát triển tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khẳng định được vai trò trụ cột của nền kinh tế.
Từ Mỏ Apatit xưa
Mỏ Apatit Lào Cai nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng với chiều dài phân bố gần 100 km và nằm trọn trong địa bàn tỉnh Lào Cai, là Mỏ Apatit duy nhất cả nước. Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, một tiềm năng quan trọng của tỉnh Lào Cai và cả nước để phát triển ngành công nghiệp phân bón và hóa chất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và thực hiện chiến lược an ninh lương thực của Đảng và Nhà nước.
Tháng 5/1955, Mỏ Apatit Lào Cai được Chính phủ, Bộ Công Thương chính thức cho khảo sát thăm dò. Cũng trong thời gian này, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký kết Hiệp định hợp tác. Chính phủ Liên Xô đã cử đoàn chuyên gia nhiều kinh nghiệm sang giúp Việt Nam phục hồi và khai thác Mỏ Apatit Lào Cai, với công suất 500.000 tấn quặng apatit/năm.
Ngày 23/9/1958, Bác Hồ lên thăm Mỏ Apatit Lào Cai. Trò chuyện với cán bộ, công nhân và Nhân dân vùng mỏ, Bác Hồ khen ngợi vùng mỏ đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống. Bác căn dặn: Cán bộ, công nhân Mỏ Apatit cần đẩy mạnh phong trào thi đua làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” để làm giàu cho Tổ quốc, đồng thời lưu ý việc giữ gìn máy móc thật tốt, vì đây là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân Liên Xô và Trung Quốc giúp ta.
Bác nhấn mạnh: Phải quản lý xí nghiệp thật dân chủ. Công nhân phải xứng đáng là chủ nhà máy, tham gia quản lý nhà máy, quý trọng và bảo vệ của công. Ban Giám đốc cần chăm lo hơn nữa việc tổ chức đời sống mới, đời sống vật chất, trồng rau xanh, chăn nuôi. Bác dặn đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, thanh niên phải là đầu tàu trong sản xuất; phải tăng cường cả số lượng và chất lượng đảng viên, đoàn viên; phải nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh để trong thời gian ngắn chủ động được công việc...
Những lời huấn thị của Bác năm nào vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí của lớp lớp thế hệ thợ mỏ Mỏ Apatit Lào Cai, là kim chỉ nam trong chiến lược sản xuất - kinh doanh của công ty và các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam luôn gắn việc nghiên cứu, học tập với thực tiễn lao động sản xuất để có nguồn nguyên liệu tốt nhất phục vụ sản xuất phân bón, hóa chất.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam cho biết: Qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều bước thăng trầm, có những khó khăn tưởng như khó lòng vượt qua, nhưng cũng chính trong những khó khăn, thử thách ấy, ý chí và lòng quyết tâm đã đưa công ty đứng vững, vượt khó thành công. Công ty Apatit Việt Nam trở thành công ty mạnh hàng đầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp phân bón, hóa chất nói riêng và ngành công nghiệp của Việt Nam cũng như tỉnh Lào Cai nói chung.
Trong những năm qua, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến apatit, đặc biệt là Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, đưa ngành công nghiệp apatit không ngừng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác, làm giàu quặng apatit, cung cấp nguyên liệu để sản xuất hóa chất, phân bón, tạo đà cho ngành công nghiệp hóa chất, phân bón của Việt Nam có những bước chuyển mình đáng kể. Giá trị sản xuất của công nghiệp ngành khai thác, chế biến apatit năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của quặng apatit đạt khoảng 2.089 tỷ đồng, năm 2021, giá trị này đã đạt khoảng 3.436 tỷ đồng và năm 2022 ước đạt 3.525 tỷ đồng. Hoạt động của ngành công nghiệp apatit đã tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Hướng đến công nghiệp bền vững
Lào Cai có hơn 130 mỏ, điểm mỏ, với hơn 30 loại khoáng sản khác nhau đã được phát hiện, trong đó có nhiều mỏ trữ lượng lớn và có giá trị cao như mỏ apatit là mỏ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có trữ lượng khoảng 2,1 tỷ tấn quặng; mỏ sắt Quý Xa là mỏ sắt lớn thứ 2 trong nước, có trữ lượng 112 triệu tấn quặng; mỏ đồng Sin Quyền là mỏ đồng lớn nhất nước, có trữ lượng 52 triệu tấn quặng (khoảng 550.000 tấn đồng kim loại)… Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Riêng doanh nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 189 doanh nghiệp công nghiệp, tập trung nhiều nhất trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản (60 doanh nghiệp, chiếm gần 31,7%). Sản xuất công nghiệp được duy trì và phát triển đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhìn lại những năm đầu tái lập tỉnh (1991), Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, nhưng đến nay, Lào Cai đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển khá của vùng, trong đó ngành công nghiệp Lào Cai luôn khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp luôn ở mức cao, đến nay chiếm hơn 45%.
Ngành công thương Lào Cai tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tiếp tục duy trì và phát triển công nghiệp, khẳng định là trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm công nghiệp, ông Hoàng Chí Hiền nhấn mạnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 60.000 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu này, ngành công thương khuyến khích các đơn vị trong ngành đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và thân thiện với môi trường; nghiên cứu phương án khai thác, chế biến hiệu quả đất hiếm, nguồn năng lượng thủy điện; phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước nhất là các loại khoáng sản có trữ lượng lớn của vùng và cả nước (apatit, đồng, sắt); ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu từ phốt pho vàng, kim loại đồng, thép tạo ra sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương; phát triển công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động như gia công, điện tử, may mặc… Ngành công thương sẽ xây dựng chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp; chính sách gắn sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp hàng hóa và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Với những kết quả trong triển khai thực hiện cho thấy, Lào Cai đang tạo những nền móng vững chắc, tạo sức bật mới cho phát triển công nghiệp. Đây là động lực và tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358350-tao-da-cho-phat-trien-cong-nghiep-ben-vung