Tạo đà phát triển công nghiệp hỗ trợ sau dịch bệnh
Sau giãn cách xã hội, doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn đã cố gắng khắc phục khó khăn, nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy, gia tăng số lượng DN trong lĩnh vực này, nâng cao năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Sản xuất tại Công ty TNHH Thiên Phiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên)
Đón đầu cơ hội
Trong dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất do thiếu nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Điển hình như ngành dệt may, da giày, những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất vẫn chủ yếu từ nhập khẩu. Tương tự, các ngành công nghiệp chủ lực khác như điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô cũng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu cũng rơi vào cảnh khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Đón đầu cơ hội này, theo lãnh đạo các DN cơ điện, trong dịch bệnh nhiều DN đã tìm được các đối tác liên kết để cung ứng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương, bảo đảm được đơn hàng, giảm chi phí vận chuyển xuất khẩu. Chính trong dịch bệnh, các DN đã tìm cho mình lối mở liên kết khi mà vận tải hàng hóa bị ngưng trệ. Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, CNHT được xác định là lĩnh vực quan trọng, không chỉ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển, mà còn thúc đẩy thu hút FDI và nâng cao giá trị sản xuất. Ngành CNHT trong nước không chỉ dừng lại ở việc cung cấp ốc vít, khuôn nhựa... để phát triển cần có trợ lực tạo điều kiện cho DN CNHT đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang được thiết kế lại do hậu quả của dịch bệnh.
Trở lại với vấn đề thực trạng của các DN ngành cơ điện, ông Trọng cho biết DN CNHT đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho nhiều đối tác trên thế giới, song không nhiều DN có đối tác trong tỉnh. Do đó, hiệp hội cơ điện mong muốn các ngành tiến hành đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận, xúc tiến cung - cầu cho các DN CNHT trong nước với nhiều DN, tập đoàn FDI đã, đang có mặt tại Bình Dương.
Đồng quan điểm này, đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách tỉnh Bình Dương cho rằng tỉnh cần có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu, có cơ chế ưu đãi thuế quan đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, CNHT mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp DN tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Hầu hết các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, DN đều phải nhập của nước ngoài, giá thành khó cạnh tranh, nhất là với các sản phẩm mang thương hiệu lớn.
Trên thực tế, dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư, nhà cung ứng đến Việt Nam đang tạo nên “sân chơi” mới cho DN CNHT. Bắt nhịp sớm hơn so với các DN trong nước, các DN FDI đã có kế mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ để đón đầu cơ hội. Ông Zheng Xia, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Phiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên), cho biết tuy gặp nhiều khó khăn nhưng công ty đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt. Thực hiện kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, sau giãn cách công ty mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu ngành CNHT cho lĩnh vực may mặc. Tin rằng với kinh nghiệm của 20 năm tồn tại và phát triển trong ngành CNHT, cùng với hệ thống khách hàng lâu năm, công ty đủ sức bảo vệ sản xuất, vượt qua dịch bệnh, cùng Bình Dương phát triển kinh tế - xã hội.
Hỗ trợ kết nối
Các DN đánh giá dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là việc cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại các thị trường lớn như châu Âu, Trung Quốc. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển CNHT sẽ giúp các DN chủ động được nguồn hàng, tránh bị phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời tạo thêm lợi thế trong thu hút đầu tư. Các DN cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT để tạo điều kiện cho DN tham gia vào lĩnh vực này. Chính phủ và DN cùng song hành với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hỗ trợ ngành CNHT. Đồng thời, ban hành chỉ thị cụ thể, yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng cách đặt hàng DN trong nước.
Ngành công thương tỉnh đang tốc lực triển khai đề án đề án “Phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đề án “Phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngành cũng đang phối hợp với các ngành nỗ lực xây dựng đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương; hỗ trợ DN xây dựng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất, tạo cơ sở kết nối các DN… Thông qua cơ sở dữ liệu về DN, tạo điều kiện kết nối cho DN trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT đặt mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%.