Tạo đà phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) được xem là một trong bốn trụ cột đột phá quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam phát triển. Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị cao, sự chủ động và tầm nhìn chiến lược để KTTN thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ, then chốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chi nhánh Tập đoàn Sao Mai - Khu nghỉ dưỡng và Spa Lam Kinh (LAMORI Resort & Spa) và Công ty Tư vấn quản lý XpRienzb Việt Nam (XVMC) ký kết hợp tác chiến lược trong việc hướng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Trong những năm gần đây, thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, góp phần thúc đẩy khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2022-2026 và Đề án phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Song song với ban hành cơ chế, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” (tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại, tăng cường công tác phối hợp; giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không chính thức; không phiền hà, không sách nhiễu, không gây khó khăn).
Giai đoạn 2017-2024, KTTN đóng góp bình quân khoảng 58,69% GRDP của tỉnh (riêng năm 2024 đạt khoảng 54,21%), huy động trên 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2024, ước đạt 90,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gấp 1,73 lần so với năm 2017) và nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 73,9 nghìn tỷ đồng (năm 2024, gần 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng thu nội địa, gấp 2,4 lần so với năm 2017). Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 28.750 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ 255.938 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đạt 8,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 3,6 tỷ đồng so với năm 2017... Quy mô doanh nghiệp không ngừng mở rộng, đặc biệt là sự vươn tầm của 304 doanh nghiệp xuất khẩu tới 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị khoảng 6,3 tỷ USD. KTTN cũng tạo việc làm ổn định cho hơn 1,16 triệu lao động, với thu nhập bình quân năm 2024 đạt 8,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,1 triệu đồng so với năm 2017.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "KTTN Thanh Hóa đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, để KTTN thực sự lớn mạnh và là trụ cột vững chắc, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn nội tại và thách thức từ bên ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp “rào cản” về tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn dài hạn cho đầu tư công nghệ. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính dù đã giảm nhưng vẫn còn những điểm chưa thực sự thông thoáng ở một số cấp, ngành. Hơn nữa, việc tìm kiếm và “giữ chân” nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cũng là bài toán nan giải. Chúng tôi mong muốn các chính sách hỗ trợ cần được cụ thể hóa hơn nữa, đi vào chiều sâu, tập trung tháo gỡ từng nút thắt, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường kinh doanh, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí không chính thức để doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển bền vững".
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, KTTN Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế mang tính cố hữu và cần được giải quyết căn cơ, kịp thời để tránh cản trở đà phát triển chung. Đóng góp của KTTN vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Hiệu quả hoạt động chưa cao khi phần lớn doanh nghiệp vẫn là quy mô nhỏ và siêu nhỏ (26.227 doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,2%), dẫn đến khả năng huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, khó tiếp cận vốn, đất đai và công nghệ. Thực tế cho thấy, việc thu hút vốn trung dài hạn cho các dự án công nghệ cao vẫn là “điểm nghẽn” lớn, gây khó khăn cho việc hiện đại hóa sản xuất. Mức độ liên kết chuỗi giá trị còn yếu, đặc biệt giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, làm giảm hiệu quả lan tỏa, bỏ lỡ cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh Thanh Hóa đã và đang hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc phát triển mạnh khu vực KTTN không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là giải pháp mang tính đột phá quyết liệt, dựa trên nền tảng thực tiễn và tầm nhìn chiến lược nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách một cách đồng bộ và thực chất để kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, khuyến khích tối đa sự phát triển của KTTN. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KTTN, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp và nâng cao năng lực liên kết, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính và thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội nghị, diễn đàn, kênh tiếp nhận phản ánh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin và tạo động lực cho KTTN phát triển.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng sự đồng hành mạnh mẽ từ chính quyền các cấp cũng như các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, khu vực KTTN Thanh Hóa chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển bứt phá, trở thành động lực chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, hiện đại.