Tạo đà phát triển thương mại, dịch vụ

Với sự quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ (TM - DV) trên địa bàn đang phát triển mạnh mẽ, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Người dân thanh toán hoa đơn hàng hóa không dùng tiền mặt tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc

Người dân thanh toán hoa đơn hàng hóa không dùng tiền mặt tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc

Xác định phát triển thương mại đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng KT - XH trên địa bàn, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động TM - DV.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh thương mại liên kết tham gia trao đổi mua bán trên thị trường, định hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Giai đoạn 2011 - 2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14 ngày 13/8/2011 về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 198 ngày 22/12/2015 về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 63 chợ nông thôn được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp và nhận được hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết.

Đến nay, Vĩnh Phúc có 85 chợ, trong đó có 84 chợ truyền thống từ hạng I đến hạng III và 1 chợ đầu mối, nông sản thực phẩm Vĩnh Tường. Hệ thống chợ được phân bổ đồng đều tại các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn.

Cùng với đó, toàn tỉnh còn có 2 trung tâm thương mại đang hoạt động với đầy đủ các mặt hàng và 7 siêu thị đạt tiêu chuẩn, 36 chuỗi cửa hàng tự chọn Winmart+ cùng nhiều cửa hàng tiện ích tổng hợp khác.

Nhằm hỗ trợ các DN mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư, đẩy mạnh sản xuất và kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm, thời gian qua, Trung tâm Phát triển công thương - Sở Công thương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa tin các hoạt động xúc tiến thương mại,

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với Trung tâm Công nghiệp - Thương mại Việt Nam (Bộ Công thương) duy trì Website “Thương mại Vĩnh Phúc” và trao đổi thông tin hai chiều, đảm bảo nguồn thông tin cho các DN quan tâm.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các DN tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển công thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, các khu công nghiệp (KCN) tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch và Tam Đảo.

Tham gia 2 gian hàng hội chợ triển lãm các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông hồng tại tỉnh Quảng Ninh; tổ chức 2 đoàn DN tham gia hội chợ, triển lãm trong nước.

Cùng với đó, những năm gần đây, Sở Công thương đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN tham gia vào các sàn giao dịch điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh và tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như: Đi chợ online, mua hàng qua ứng dụng, giao nhanh miễn phí.

Mới đây, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 06 ngày 5/5/2023 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030.

Trong đó, hỗ trợ 200 triệu đồng đối với mô hình siêu thị mini xây dựng mới; hỗ trợ 50 triệu đồng mô hình cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xây dựng mới; hỗ trợ 100 triệu đồng mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu đặc trưng của tỉnh và của địa phương xây dựng mới.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ Ban Quản lý du lịch cộng đồng triển khai mô hình điểm du lịch cộng đồng 300 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ tổ chức, cá nhân hộ gia đình triển khai xây dựng mô hình homestay 100 triệu đồng và 300 triệu đồng mô hình Farmstay.

Đặc biệt, Nghị quyết còn quy định cơ chế, điều kiện, thời hạn để hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thôn thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu được vay vốn để phát triển SXKD thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Các chính sách trên không chỉ góp phần phát triển hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh buôn bán của người dân mà còn tạo đà phát triển TM - DV trên địa bàn, thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn.

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030, giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân từ 9% - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15% - 15,5% vào GDP tỉnh, tại Đồ án quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc đang được triển khai dự kiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tất cả các huyện, thành phố đều được bố trí quỹ đất để quy hoạch xây dựng các Trung tâm thương mại, siêu thị từ hạng I đến hạng III. Từng bước thu hẹp số lượng chợ không đảm bảo các yêu cầu theo quy định, hoạt động không hiệu quả.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94964//tao-da-phat-trien-thuong-mai-dich-vu