Tạo dáng hoa thủy tiên, nét văn hóa tao nhã của người Hà thành
Thú chơi hoa thủy tiên của người Việt Nam là một nét văn hóa tao nhã. Trong những năm gần đây văn hóa chơi hoa thủy tiên ngày Tết còn được hiện hữu cả ở những ngày thường.
Bên cạnh giá trị truyền thống, người chơi hoa đã phát triển thú chơi lành mạnh này lên một tầm cao mới và qua đó cũng tạo thêm nhiều giá trị tinh thần khác biệt, bổ ích cho đông đảo số người có tình yêu với một loài hoa đặc trưng.
Nửa thế kỷ trước, sau 9 năm tản cư kháng chiến, quân dân ta tiếp quản thủ đô trong không khí phấn khởi, háo hức. Những giò hoa thủy tiên cũng lại bắt đầu xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán – trong Tết hòa bình đầu tiên. Trên ban thờ của nhiều gia đình người Hà Nội bên cạnh ảnh Bác Hồ hay cờ đỏ sao vàng lại có một bát hoa thủy tiên đang hé nở tỏa hương.
Tôi có dịp được trò chuyện cùng chị Nguyễn Trang, một người yêu và có kiến thức sâu rộng về hoa thủy tiên trong một lần đi tìm những chiếc bát sứ phù hợp để bày hoa. Chị Trang tâm sự, từ những năm 1990, Tết năm nào mẹ chị cũng phải mua bằng được một giò hoa thủy tiên đẹp, đặt vào chiếc bát thủy tinh cổ của gia đình để dâng lên ban thờ ông ngoại. Điều đó có thể thấy rằng thú chơi hoa thủy tiên không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống, mà còn là cách đưa nét văn hóa này gần hơn với cuộc sống hôm nay.
Ngày nay, thú chơi hoa thủy tiên không chỉ hiện hữu trong dịp Tết Nguyên đán, mà còn xuất hiện vào một số thời gian khác trong năm. Người ta gọt tỉa củ hoa từ tháng 12 dương lịch đến hết tháng 4 dương lịch.... Cụ thể hơn, củ hoa thủy tiên được gọt chơi trong những dịp như: Tết dương lịch, ngày Valentine 14/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thống nhất đất nước 30/4,… Những bát hoa thủy tiên đẹp cũng đã xuất hiện tại các lễ cưới, sinh nhật, hội nghị suốt mùa xuân.
Hiện tại, có nhiều hội nhóm chuyên chơi hoa thủy tiên được thành lập và đây chính là nơi chia sẻ kiến thức hữu ích về hoa thủy tiên của những người yêu tích hoa thuộc các thế hệ khác nhau.
Chăm sóc hoa thủy tiên rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Để có bát hoa có bố cục hài hòa, cân đối thì người chơi cần bỏ tâm sức nhiều. Cô Liên Hương (là người Hà Nội gốc) cho tôi biết một bát hoa thủy tiên có thẩm mỹ cần sạch sẽ, rễ và vỏ củ phải trắng; để qua đó tạo xung động tác động tích cực tới thị giác và cao hơn là cảm xúc người xem. Đặc biệt, không chỉ với sự tạo hình từ lá, hoa; hoa thủy tiên còn tỏa hương thơm dịu, làm bất kỳ ai đứng gần cũng có được cảm giác thư giãn, thoải mái.
Một người bạn hoa của tôi là chị Lê Thị Nga chia sẻ chị muốn chồng chị học gọt tỉa hoa thủy tiên để giảm bớt những căng thẳng trong công việc. Bên cạnh đó, từ hoa thủy tiên chị cũng hướng đến sự giáo dục thẩm mỹ, tìm phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn cho các con thông qua chăm sóc hoa.
Có thể nhận định, không chỉ trước kia mà trong thời gian gần đây thú chơi hoa thủy tiên đã và đang khôi phục phát triển mạnh mẽ, phát huy những giá trị xưa cũ cùng với nhiều tính thẩm mỹ hiện đại và điều đáng mừng là càng có nhiều bạn trẻ yêu thích, quan tâm.
Tôi rất may mắn được là học trò của cụ Nguyễn Phú Cường (người phổ biến cách gọt tỉa củ hoa thủy tiên theo lối cổ), từ củ hoa thủy tiên tạo hình chim thiên nga đầu tiên của cụ mà chúng tôi đã phát triển lên phong cách tạo hình hoa thủy tiên hiện đại, đem lại nhiều giá trị tinh thần và vật chất cho cộng đồng. Những sáng tạo đó, đã được nâng tầm thành những tác phẩm nghệ thuật, trong đó chứa đựng sự đam mê và nhiệt huyết cho một thú chơi tao nhã của người Hà Thành.
Các tác phẩm tạo hình hoa thủy tiên hiện đại