Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch
Thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt là khách Tây hiện nay không chỉ nằm ở tài nguyên, sản phẩm du lịch hay cảnh quan văn hóa - lịch sử mà ở vẻ đẹp chân phương của con người, tính chuyên nghiệp trong cách làm du lịch và tạo được dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch, trải nghiệm của du khách.
Dấu ấn địa phương làm nên sức hấp dẫn
Có thời gian tiếp xúc với hàng chục vị khách nước ngoài trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, tôi đem câu hỏi “Khách trông đợi điều gì khi đến Huế?”. Kết quả bất ngờ mà hầu hết các vị khách quốc tế trả lời là dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch.
Nói bất ngờ vì những gợi ý tôi đưa ra khi đặt câu hỏi trên là sản phẩm du lịch, vẻ đẹp cảnh quan hay kể cả ẩm thực đều không phải là câu trả lời ưu tiên của khách. Anh Francois, du khách đến từ Pháp chia sẻ: “Mình đi du lịch ở nhiều quốc gia và mỗi nơi đều có những vẻ đẹp riêng, ẩm thực riêng. Ở Huế, điều làm mình thú vị nhất là dấu ấn địa phương, bản sắc văn hóa Huế gắn với những gì mình được trải nghiệm”.
Lâu nay, nói về sức hút của điểm đến du lịch, nhiều người nghĩ ngay đến tài nguyên, sản phẩm du lịch hay cảnh quan văn hóa - lịch sử… Song, trong bối cảnh du lịch đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, các yếu tố trên vẫn còn thiếu để làm nên sức hút với khách Tây nếu chưa nhắc đến dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch.
Một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, khi đến Việt Nam du lịch, khách Tây rất hài lòng về những chuyến đi khám phá cuộc sống đời thường bình dị của người dân, tận hưởng các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống chân phương. Có những nơi với người Việt là bình thường nhưng với khách Tây là đẹp, cảm thấy thích thì có thể lưu trú lại cả tuần để tận hưởng. Họ không có sở thích đến đó chỉ để check-in những địa điểm mới, hay để vui chơi giải trí độc lạ mà họ muốn trải nghiệm, khám phá những gì được xem là bản sắc, dấu ấn của một vùng đất.
Handley, du khách người Anh cho rằng, các nước trong cùng khu vực có những nét tương đồng về văn hóa và mức chi phí cho du lịch chênh lệch không quá lớn nên khách có nhiều sự lựa chọn. Hiện nay, nhiều nơi làm du lịch đua nhau xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thậm chí na ná nhau mà quên mất khách du lịch đến một vùng đất là muốn tìm kiếm sự khác biệt, từ những trải nghiệm chân thật và mang tính địa phương nhất. “Như các địa phương của Việt Nam chẳng hạn, ngày Tết vẫn có những lễ hội, chương trình giống nhau, nhưng vẫn có những nét đặc thù, đặc sắc riêng có. Và chính những cái khác, cái riêng có đó chính là điểm mà khách mong đợi”, du khách Handley nói.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù
Còn nhớ cách đây ít tháng, tại Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ I do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức (tháng 10/2023), bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nova cho rằng, mỗi địa phương muốn phát triển các sản phẩm du lịch cần phải xác định được mô hình du lịch cho riêng mình. Mỗi nơi tối đa 3 mô hình phù hợp và đảm bảo phải có thế mạnh và tiện ích khả thi đi kèm. Phát biểu của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nova nhìn từ góc độ của doanh nghiệp phát triển du lịch cho thấy, phải tạo ra sự khác biệt gắn với sản phẩm du lịch có tính đặc thù thì mới tạo sức hấp dẫn trong cạnh tranh phát triển du lịch.
Đối với khách Tây, để thu hút họ quay trở lại một nơi để du lịch, không nhất thiết cứ phải làm mới sản phẩm du lịch. Theo một số chuyên gia du lịch, điều quan trọng nhất là sản phẩm đó có đủ chất lượng, có dấu ấn địa phương, tạo được cảm tình để níu chân du khách. Việc làm mới các sản phẩm du lịch là tốt, nhưng cũng cần có sự nghiên cứu và nhìn nhận đúng đắn về tính hiệu quả của nó mang lại.
Với rất nhiều tiềm năng, tài nguyên sẵn có, du lịch Thừa Thiên Huế có xuất phát điểm khá sớm so với nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, đến nay, trên đường đua này, vị trí của địa phương đang bị dẫn trước bởi những thành phố du lịch trẻ, năng động.
Nhiều người làm du lịch cho rằng, Huế chỉ mới khai thác mang tính hiệu ứng nhất thời và bề nổi của những tiềm năng. Để những sản phẩm du lịch Huế có thêm sức hút lâu dài, bền vững, cần đầu tư nhiều hơn và chú trọng chiều sâu sản phẩm ở tính chuyên nghiệp, cao cấp, tạo được dấu ấn, sản phẩm du lịch có tính đặc thù. Đó là những sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện cho tài nguyên du lịch của một điểm du lịch, một địa phương. Nói tới sản phẩm du lịch đặc thù là nói tới sự độc đáo “chẳng nơi nào có được”. Đây là sự phối kết tổng hòa giá trị tài nguyên du lịch và các nguồn lực riêng có của điểm đến du lịch. Đâu đó ở địa phương khác có sản phẩm du lịch tương tự thì chỉ là những “ghép nối” hoặc “sao chép”, không đủ hồn, cốt của sản phẩm gốc.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, du lịch Thừa Thiên Huế năm 2023 có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng ngành du lịch tỉnh vẫn đang nỗ lực nhiều hơn để nghiên cứu thị trường và hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Đặc biệt là tạo ra các sản phẩm du lịch có tính đặc thù, gắn với chiều sâu văn hóa, với đặc trưng của mảnh đất, con người Cố đô. Ngành du lịch tỉnh đang hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch và gắn với các danh hiệu: “Huế - Thành phố lễ hội”, “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”…