Tạo điều kiện cho công nhân nghỉ Tết dài ngày
Ðến thời điểm này, mặc dù Nhà nước chưa chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 là bảy hay chín ngày, nhưng nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đều cố gắng tạo điều kiện để công nhân được nghỉ dài nhất có thể.
Cẩn thận kiểm tra từng chiếc kềm thành phẩm chuẩn bị xuất xưởng ra thị trường, chị Ðỗ Thị Kim Hoàng (42 tuổi), công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa (khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho biết: Rất mong chờ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới để về thăm cha mẹ, họ hàng. Quê chị Kim Hoàng ở tận Bắc Giang, nữ công nhân theo chồng vào thành phố mưu sinh đã gần 15 năm. "Hai năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh, chúng tôi không thể về quê thăm gia đình. Sau dịch, công ty có nhiều đơn hàng nên mình cố gắng tăng ca, kiếm thêm thu nhập bù vào khoản thâm hụt trước đây. Do đó, chúng tôi rất mong đợi được về Tết và ở nhà lâu lâu để có thể đi thăm họ hàng, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động khi đã làm việc cật lực trong thời gian qua", chị Hoàng tâm sự. Cũng chung nỗi niềm mong ngóng được về quê dịp Tết, chị Nguyễn Thị Tâm (quê Nghệ An) cho hay, do làm việc xa nhà nên mỗi năm chị chỉ có thể về thăm nhà dịp Tết. Chồng con đều ở quê, một mình chị bôn ba nơi phố thị kiếm tiền gửi về lo các con ăn học. "Cha mẹ lớn tuổi nên cần có người thân chăm sóc. Chúng tôi phân công nhau, người ở lại lo gia đình, người chấp nhận xa nhà làm việc. Tôi hy vọng được nghỉ Tết sớm, về quê lo gia đình tươm tất hơn. Có năm do nghỉ Tết trễ, tôi đi xe khách hai ngày mới về đến nhà đã mồng 1 Tết, ở được hai hôm lại tất tả trở lại thành phố. Con cái bịn rịn mãi không muốn rời. Buồn lắm", chị Tâm nói.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp tại thành phố cũng đang chờ đợi Chính phủ chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán để chủ động sắp xếp công việc, bố trí thời gian trực phù hợp. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec (Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Ðức), ông Lưu Kim Hồng cho biết: Doanh nghiệp có hơn 7.000 lao động. Trong đó, nhiều công nhân ở miền bắc, miền trung; nếu nghỉ Tết đúng 29 tháng Chạp như đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì quá cận Tết. Nhiều công nhân ở miền bắc, miền trung đi xe khách, tàu lửa từ 1,5-2 ngày mới về tới nhà. Lúc đến nhà thì đã mồng 1 Tết. "Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều lao động đã không về quê. Do đó, năm nay họ rất cần được nghỉ thời gian dài để về thăm nhà. Ngoài ra, doanh nghiệp, người lao động cũng cần biết lịch nghỉ Tết sớm để sắp xếp, bố trí công việc, kế hoạch sản xuất. Theo phương án đã được Công ty TNHH Nidec phê duyệt, công nhân sẽ được nghỉ 10-11 ngày, từ 28 tháng Chạp tới hết ngày mồng 7 tháng Giêng (19-28/1/2023) và đi làm trở lại vào mồng 8 (ngày 29/1, làm bù). Ngoài năm ngày nghỉ chính thức, hai ngày nghỉ bù cuối tuần, có thêm ngày hoán đổi và cộng ngày nghỉ phép để có kỳ nghỉ kéo dài. Việc cắt ngày phép đưa vào kỳ nghỉ lễ đã được người lao động đồng ý. Ông Hồng cho biết thêm: Công đoàn và công ty thường họp bàn kế hoạch các kỳ nghỉ lễ, Tết hằng năm từ tháng 1, trình ban lãnh đạo để thông qua và áp dụng vào đầu tháng 4 theo năm tài chính của người Nhật. Công nhân luôn biết trước lịch nghỉ Tết của năm sau để chủ động. Doanh nghiệp chủ động bố trí đơn hàng sản xuất, người lao động sớm nắm lịch để đặt vé tàu xe về quê, đi chơi, sắp xếp kế hoạch cho gia đình" - ông Hồng nói và đề xuất nên có phương án nghỉ sớm, nghỉ dài ngày cho người lao động.
Giám đốc Nhân sự Công ty cổ phần Dệt may và Ðầu tư thương mại Thành Công (khu công nghiệp Tân Bình) Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: Doanh nghiệp sắp xếp cho công nhân nghỉ Tết thường căn cứ vào lịch nghỉ Tết của Nhà nước và đơn hàng của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp nào cũng cho người lao động nghỉ dài hơn so với lịch nghỉ của Nhà nước để họ có thời gian sum vầy cùng gia đình. Theo ông Tuấn, đặc thù của công nhân khác nhiều với công chức, viên chức. Ða phần công chức, viên chức làm việc gần nhà hoặc trong tỉnh, thành phố của mình. Thời gian làm việc của công chức, viên chức hằng tuần cũng ít hơn (40 giờ/tuần) so với công nhân (thường từ 44-48 giờ/tuần, chưa kể tăng ca). Trong khi đó, phần lớn công nhân lại đi làm xa quê, cơ hội sum họp cùng gia đình ít hơn, thường là cả năm hoặc vài năm, có những người cả chục năm mới được về quê, nên tâm lý chung là muốn được nghỉ dài hơn trong dịp Tết. Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần In Như Hoa (quận Bình Tân) Bùi Thị Mai cho rằng: Công ty thường cho công nhân nghỉ Tết sớm và dài ngày bằng cách hoán đổi phép năm hoặc thứ bảy, chủ nhật. Ðặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình vẫn mong muốn về quê đón Tết. Tâm lý người Việt cũng luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết. Do vậy, cho phép họ nghỉ từ 28 tháng Chạp là hợp lý. Nghỉ trễ sẽ gây áp lực lớn cho giao thông vận tải, giá vé tàu, xe, máy bay tăng cao, thậm chí nhiều lao động không kịp về quê đón Tết. "Nghỉ Tết dài hơn một chút không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Người lao động làm việc vất vả, được nghỉ dài ngày sẽ kích thích tái tạo năng lượng, hiệu quả khi đi làm trở lại đạt năng suất cao hơn" - bà Mai nói.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dieu-kien-cho-cong-nhan-nghi-tet-dai-ngay-post718626.html