Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Anh hợp tác phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao kinh nghiệm và sáng kiến của đối tác Vương quốc Anh, hoan nghênh doanh nghiệp Anh tham gia nghiên cứu và hợp tác đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ngày 10/7/2025 tại trụ sở Chính phủ Vương quốc Anh ở Scotland, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Công Thương tham dự Tọa đàm “Điện gió ngoài khơi Việt Nam”.
Sự kiện tập trung trao đổi về chủ đề phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam và thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu cấp cao của hai nước, trong đó có Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, Tổng lãnh sự Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh Alexandra Smith, các tổ chức chuyên môn và nhà phát triển dự án như ORE Catapult, Carbon Trust, Morven OSW, Flotation Energy, Ocean Winds, Scottish Power Renewables, SSE Thistle Wind Partners và West of Orkney Windfarm.
Về phía Đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam có đại diện Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Cục Điện lực, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), Trường Đại học Điện lực và các doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Công ty T&T, IPC, Trung Nam Group.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương tham dự Tọa đàm “Điện gió ngoài khơi Việt Nam” tại Vương quốc Anh
Trong khuôn khổ Tọa đàm, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực đã cập nhật thông tin với các đối tác Vương quốc Anh về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, khung pháp lý mới ban hành của Việt Nam, tạo hành lang cho đầu tư điện gió ngoài khơi.
Đại diện Lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) giới thiệu năng lực và mục tiêu tham gia lĩnh vực điện gió ngoài khơi, với một số tiềm lực như: bãi chế tạo ngoài khơi rộng 320 ha, đội ngũ hơn 500 kỹ sư đã tham gia hơn 100 dự án EPCI, kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị chính lên 40% trong giai đoạn 2026 - 2030 và đề xuất xuất khẩu 3 GW điện tái tạo qua kết nối lưới khu vực.

Tọa đàm tập trung trao đổi về chủ đề phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam và thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu cấp cao của hai nước
Về phía Vương quốc Anh, ông David Findlay - đại diện tổ chức ORE Catapult đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Vương quốc Anh, trong khi ông Adam Bates (Carbon Trust) giới thiệu mô hình “Trung tâm Xuất sắc” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa hóa và chuẩn hóa nhân lực theo tiêu chuẩn GWO.
Phần thảo luận mở ghi nhận sự quan tâm của các nhà phát triển Anh đối với việc liên danh thực hiện những dự án lớn tại Việt Nam, mô hình đấu thầu, sở hữu, triển khai dự án, phát triển chuỗi cung ứng, cũng như các giải pháp tài chính xanh giảm chi phí vốn...

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định Bộ Công Thương sẽ làm đầu mối hỗ trợ, biến sáng kiến thành dự án cụ thể, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh tỷ trọng các nguồn năng lược tái tạo, giúp Việt Nam đạt cam kết Net Zero vào năm 2050
Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao kinh nghiệm và sáng kiến của đối tác Vương quốc Anh, đồng thời hoan nghênh doanh nghiệp Anh tham gia nghiên cứu và hợp tác đầu tư dự án, hợp tác với Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng, tối ưu chi phí và phát triển bền vững, khẳng định Bộ Công Thương sẽ làm đầu mối hỗ trợ, biến sáng kiến thành dự án cụ thể, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh tỷ trọng các nguồn năng lược tái tạo, giúp Việt Nam đạt cam kết Net Zero vào năm 2050.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đoàn công tác Bộ Công Thương tới thực địa Dự án điện gió ngoài khơi Neart na Gaoithe (NnG) do EDF Renewables UK và ESB đồng sở hữu
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thực địa Dự án điện gió ngoài khơi Neart na Gaoithe (NnG) do EDF Renewables UK và ESB đồng sở hữu.
Đại diện dự án, ông David Sweenie, Giám đốc Phát triển dự án đã giới thiệu quá trình triển khai dự án từ khảo sát môi trường biển giai đoạn 2009 - 2012, nhận giấy phép năm 2014, trúng cơ chế Contract for Difference năm 2015 tới mục tiêu đưa vào vận hành toàn bộ 54 tua-bin Siemens Gamesa vào cuối năm 2025. Với công suất thiết kế 450 MW, NnG đủ cấp điện cho khoảng 375.000 hộ gia đình Scotland và tránh phát thải hơn 400.000 tấn CO₂ mỗi năm; tổng vốn đầu tư ước 2 tỷ bảng Anh.
Đại diện dự án đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Anh, giúp giải đáp nhiều quan tâm cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích giúp cơ quan Việt Nam tham khảo trong việc xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.