Tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Thời tiết diễn biến thất thường, lại ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 nhưng ngư dân các địa phương ven biển trong tỉnh vẫn tích cực vươn khơi bám biển khai thác hải sản.
Ngư dân xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) tích cực vươn khơi.
Trong thời gian qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành có liên quan trong tỉnh tích cực triển khai phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ, tăng khả năng vươn khơi bám biển. Qua đó, ngư dân trong tỉnh đã được tiếp cận các nguồn vốn vay nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu cá có công suất lớn và trang bị các loại phương tiện, thiết bị thông tin liên lạc hiện đại. Nhờ các chính sách tín dụng cho vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá đã giảm áp lực cho vùng biển ven bờ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho ngư dân trong tỉnh.
Để góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, ngư dân yên tâm vươn khơi xa bám biển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 quy định chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác nhằm phát triển kinh tế thủy sản. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ 1.921 lượt tàu cá mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị ngư lưới cụ và 14.853 thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng kinh phí hỗ trợ là 37,914 tỷ đồng. Hỗ trợ đào tạo 28 lớp thuyền trưởng, máy trưởng cho 837 học viên. Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 46 chuyến biển, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng; 12 máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh cho 12 tàu, kinh phí 336 triệu đồng. Cùng với chính quyền các cấp và các ngành có liên quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn sát cánh cùng với ngư dân vươn khơi, bám biển. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Việt Nam và quốc tế về khai thác hải sản, các đồn biên phòng tuyến biển làm tốt công tác quản lý tàu thuyền ra vào cảng, tổ chức thành lập, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, xử lý kịp thời các nguồn tin ngư dân cung cấp về tình hình an ninh trên biển cũng như làm tốt việc cứu hộ, cứu nạn khi tàu và thuyền viên gặp sự cố trên biển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển với 1.975 tàu cá, thu hút 15.000 lao động tham gia. Khi ra khơi xa các tổ đoàn kết không những chấp hành tốt các quy định về vùng đánh bắt, hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố hoặc thiên tai mà còn chia sẻ thông tin về ngư trường khai thác. Đồng thời, tham gia cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với các sự cố trên biển.
Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương ven biển đã, đang tích cực tuyên truyền, giúp ngư dân thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản.