Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với giáo dục và đào tạo
Đảng, Nhà nước ta coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển GD&ĐT, đặc biệt là quan tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về 'Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế'. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT được nâng lên. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu ngày càng hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT trong giai đoạn mới. Mạng lưới trường lớp được củng cố, phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị GD&ĐT được quan tâm đầu tư, từng bước theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Chất lượng phổ cập giáo dục ngày càng được nâng cao, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao qua từng năm. Kết quả thi tốt nghiệp THPT có sự tăng trưởng nhanh. Tỉnh duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và đạt chuẩn xóa mù chữ. Công tác giáo dục dân tộc được chú trọng, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư xây dựng, phát triển. Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được tập trung thực hiện, từng bước chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Năm 2023, ngành GD&ĐT Hòa Bình được tặng Cờ thi đua của Chính phủ hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2022.
Bên cạnh kết quả đạt được thì chất lượng GD&ĐT của tỉnh chưa thực sự có sự bứt phá. Nhiều trường học quy mô nhỏ, còn nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi trên ngày, học tin học, học tiếng Anh thấp so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019. Giáo viên còn thiếu so với định mức, nhất là các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông...
Nhằm khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát triển GD&ĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngày 29/6/2023, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số19- NQ/TU về tăng cường nguồn lực phát triển GD&ĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023-2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm: "Phát triển GD&ĐTđể nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đảm bảo công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển bền vững, ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương...”
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW do tỉnh tổ chức vừa qua, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyền thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện về ý thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong toàn ngành, trong cơ sở giáo dục.
Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT. Quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Xây dựng kế hoạch phát triển các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập; kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2023-2030. Triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thu hút sự đóng góp, tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch để người học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, khai thác các nguồn học liệu đa dạng, phong phú để phát triển năng lực tự học và ý thức học tập suốt đời phù hợp với khả năng và nhu cầu học sinh. Đổi mới công tác quản lý hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nhu cầu học tập đa dạng, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của học sinh. Thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, các mô hình về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.