Tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, cống hiến
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều 21/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Các ý kiến của đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể với những chính sách khả thi trong thực tế để tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp và cống hiến cho đất nước.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều nay (21/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Các ý kiến của đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể với những chính sách khả thi trong thực tế để tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp và cống hiến cho đất nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương. Thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.
Bên cạnh đó, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn chung chung. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên. Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ giúp thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trong cơ cấu dân số vàng hiện nay, tỷ lệ độ tuổi thanh niên đang chiếm cơ cấu lớn với trên 23 triệu người chiếm trên ¼ dân số cả nước. Thanh niên đã và đang có những đóng góp tích cực trong công cuộc sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng xung kích đi đầu. Theo các đại biểu Quốc hội, cần có những quy định phát huy được vị trí, vai trò của thanh niên trong đời sống xã hội.
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng dự án Luật sửa đổi cần quy định rõ các chính sách trong chiến lược phát triển thanh niên đã được Chính phủ ban hành.
Theo đại biểu Dương Tấn Quân, trong lần soạn thảo luật thanh niên lần này, quy định chiến lược quốc gia phát triển về thanh niên cần phải được thể hiện rõ nét hơn, về thẩm quyền ban hành những thành tố cơ bản của chiến lược, nguồn lực bảo đảm thực hiện, và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc bảo đảm thực hiện. Để nâng tầm quan trọng của chiến lược này và có thêm cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện trong thực tế.
Nhiều đại biểu lo lắng về tình trạng khó tập hợp thanh niên vào tổ chức do phải đi làm ăn xa, mà nguyên nhân là do các mô hình kinh tế ở địa phương khó tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên đang bị ảnh hưởng lối sống lệch chuẩn, chưa có chí hướng rõ ràng, lười học tập, lao động, dễ bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Đại biểu Mong Văn Tình, (đoàn Nghệ An) đề nghị: Việc sửa đổi Luật Thanh niên lần này cần quan tâm tới những chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên vào các tổ chức của thanh niên. Làm rõ cơ quan quản lý nhà nước với công tác thanh niên và các chính sách đối với thanh niên phải mang tính vượt trội, đặc thù để phát huy, bồi dưỡng thanh niên và góp phần giải quyết các thách thức, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An)
Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng dự án luật chưa quy định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên để phát huy được sức sáng tạo và vai trò của thế hệ này. Đồng thời đề nghị cần quy định chính sách đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng đóng góp lớn hơn cho đất nước. Đại biểu Lê Quốc Phong (đoàn Bình Định) nêu ý kiến: Với tài năng trẻ, môi trường tốt, đãi ngộ hợp lý sẽ thúc đẩy tài năng phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Tôi đề nghị quy định cụ thể trong luật sửa đổi, các chế độ đãi ngộ về thu nhập bao gồm cả mức thu nhập khởi điểm và mức tăng thu nhập hợp lý với những đóng góp mới hiệu quả, chính sách về nhà ở, chính sách được tiếp tục đào tạo bồi dưỡng để phát triển. Trong Luật cũng cần quy định và giao chính phủ quy định xây dựng chiến lược tài năng trẻ quốc gia để việc phát hiện trọng dụng nhân tài ngày càng hiệu quả.
Các đại biểu cho rằng bên cạnh quy định về quyền lao động, quyền tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ thì cần bổ sung các lĩnh vực kiến thức về kỹ năng sống cần thiết. Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) nêu ý kiến: Điều 29 quyền về hôn nhân và gia đình quy định, thanh niên được giáo dục kiến thức về hôn nhân và gia đình, về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. "Tại điều luật này, tôi đề nghị bổ sung thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, đây là kiến thức hết sức cần thiết cho thanh niên trước ngưỡng cửa hôn nhân. Trong thực tế, thanh niên hiện nay còn thiếu về kiến thức này".
Về vấn đề độ tuổi thanh niên còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến quy định độ tuổi thanh niên từ 16-30; có ý kiến đề nghị từ 16-35 tuổi. Tuy nhiên cơ quan soạn thảo dự án luật cho rằng quy định độ tuổi từ 16-30 như luật hiện hành là phù hợp để đảm bảo tốt chính sách cho thanh niên.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) với nhiều ý kiến rất xác đáng. Thay mặt cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Trước đó, cũng trong chiều nay, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Đáng chú ý Luật Thư viện quy định Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam là ngày 21 tháng 4 hằng năm và quy định cụ thể các điều khoản về xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện.
Theo dự kiến chương trình, ngày mai (22/11) Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và thảo luận ở đoàn về nội dung này./.