Tạo điều kiện để dân giám sát tài sản cán bộ
'Ðể 'không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản' như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tốt nhất nên dựa vào sự giám sát của nhân dân hơn là vào những bản kê khai tài sản.
Hãy công khai danh sách nhân sự được quy hoạch vào Trung ương, người dân có thể cung cấp cho Ðảng thông tin chính xác là họ đang có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà”, T.S Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với PV Tiền Phong.
Lựa chọn nhân sự theo kết quả công việc
Trong lần phát biểu vừa qua về công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, khi lựa chọn nhân sự phải có “con mắt tinh đời”: Đừng để động tác giả đánh lừa, đừng để cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong, cũng đừng thấy đỏ tưởng là chín… Theo ông, trong nhiệm kỳ tới, điều gì cần lưu tâm và giải pháp nào để lựa chọn được nhân sự xứng đáng nhất vào bộ máy của Đảng và Nhà nước?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rất đúng. “Sông sâu, biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Mọi chuyện sẽ còn khó khăn hơn, khi hiệu ứng “đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi” bị kích hoạt mạnh mẽ trước Đại hội. Những tiêu chuẩn được đề ra để lựa chọn nhân sự cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cơ bản đều là những tiêu chuẩn định tính. Đây là những tiêu chuẩn quan trọng, nhưng có lẽ khó có thể đo đếm được. Mà cảm nhận chủ quan lại rất dễ sai lầm.
Để chọn đúng nhân sự cho nhiệm kỳ tới, quan trọng là phải đưa ra được bộ công cụ để đo đếm các tiêu chuẩn định tính nói trên. Việc này sẽ mất nhiều thời gian, mặc dù cũng có thể làm được. Nếu chúng ta vẫn chưa sáng tạo ra được bộ công cụ đáng tin cậy để đo đếm các tiêu chuẩn định tính, thì quan trọng là phải lựa chọn nhân sự dựa theo thành tích. Địa phương nào phát triển nhanh hơn, thì lãnh đạo địa phương đó xứng đáng được lựa chọn hơn. Ngành nào phát triển nhanh hơn, thì lãnh đạo ngành đó xứng đáng được lựa chọn hơn. Các địa phương, các ngành càng khó khăn, thì thành tích ở đó càng chứng tỏ lãnh đạo có năng lực.
Có rất nhiều tiêu chí đưa ra để cân nhắc, lựa chọn cán bộ từ cấp ủy đến cấp trung ương. Theo ông tiêu chí nào là quan trọng nhất khi lựa chọn cán bộ?
Như đã nói ở trên, thành tích thực tế là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn. Thành tích tồn tại khách quan và bao giờ cũng đo đếm được. Ví dụ, quan chức chịu trách nhiệm vận hành chức năng của ngân hàng trung ương, thì phải chống được lạm phát, phải ổn định được giá trị của đồng tiền và phải bảo đảm được thanh khoản cho nền kinh tế. Không làm tốt được những điều trên, có đáp ứng mọi tiêu chuẩn khác cũng ít có ý nghĩa. Tương tự như vậy, quan chức đứng đầu địa phương phải bảo đảm tăng trưởng GRDP, bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương.
Một tiêu chí khác quan trọng không kém là tín nhiệm của người dân. Đảng ta là đảng cầm quyền, vì vậy lựa chọn những người lãnh đạo cho Đảng cũng chính là lựa chọn những người lãnh đạo cho dân. Tín nhiệm của nhân dân vì vậy là phần cấu thành bắt buộc của sự chính danh. Thực ra, có đạo đức, có liêm chính, có tận tụy, có trình độ… thì mới được dân tín nhiệm. Vì vậy, sự tín nhiệm của nhân dân là công cụ đáng tin cậy nhất để đo đếm rất nhiều tiêu chí định tính.
Muốn biết một quan chức được dân tín nhiệm đến đâu quả thực không khó, với thông tin trên mạng xã hội và với kỹ thuật điều tra online thì lại càng dễ.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã có tới 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, tới đây cần phải làm rõ trách nhiệm đối với những người tiến cử, đề bạt nhân sự. Vậy theo ông, người đề bạt, tiến cử sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào khi người được tiến cử đó có sai phạm?
Trước đây, tiến cử cho vua như vậy thì sẽ bị chém đầu. Ngày nay, chế độ trách nhiệm cũng cần được xác lập thế nào đấy trong công việc này. Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là công khai danh tính của người/những người tiến cử. Việc tiến cử sai lầm có thể là một hành vi ngay tình, mà cũng có thể là một hành vi vụ lợi. Những người tiến cử sai lầm ngay tình, thì lần sau không nên được quyền tiến cử nữa. Đơn giản là vì những người này không có đủ sự tinh tường để nhận biết và đánh giá nhân sự. Những người tiến cử vì vụ lợi, cần áp dụng các chế tài cần thiết từ kỷ luật, đến hành chính và thậm chí hình sự.
Công khai danh sách nhân sự được quy hoạch
Mặc dù quy trình, quy định được đưa ra rất nhiều, song dường như chúng ta vẫn thiếu bóng dáng sự tham gia, góp ý, giám sát của nhân dân với cán bộ. Phải chăng, vì điều này mà dẫn đến tình trạng “đúng quy trình” nhưng không đúng người? Nhiều ý kiến từng đề nghị công khai toàn bộ danh sách nhân sự được quy hoạch vào T.Ư, nhân sự được dự kiến lựa chọn tới đây để nhân dân biết và giám sát, cho ý kiến. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?
Đây là đề xuất rất đáng được ủng hộ. Như đã nói ở trên, tín nhiệm của nhân dân là công cụ đáng tin cậy nhất, đo đếm rất nhiều tiêu chí được đề ra để lựa chọn nhân sự, đặc biệt là đo đếm các tiêu chí định tính.
Ngoài ra, muốn “không chọn cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, nhiều tài sản” như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tốt nhất là nên dựa vào sự giám sát của nhân dân hơn là vào những bản kê khai tài sản. Hãy công khai danh sách nhân sự được quy hoạch vào Trung ương, người dân có thể cung cấp cho Đảng thông tin chính xác là họ đang có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà.
Tất nhiên, công khai danh sách nhân sự được quy hoạch cũng cần chuẩn bị sẵn sàng chống lại nạn tin giả và các hành động phá hoại khác. Kinh nghiệm quản trị truyền thông trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cho thấy, tin giả và các hành vi gây nhiễu loạn là hoàn toàn có thể khống chế được.
Có thể nói, Đại hội XIII là thời điểm chuyển giao thế hệ từ những người sinh ra, rèn luyện trong những năm kháng chiến, sang lớp cán bộ trưởng thành trong hòa bình, được hưởng những thành quả to lớn của quá trình đổi mới và sự sôi động của kinh tế thị trường. Theo ông, phải làm gì để vừa tạo điều kiện cho lớp trẻ tiếp bước thế hệ cha anh, nhưng cũng tránh được những hạt nhân trẻ nhưng “chín ép” như Nguyễn Xuân Anh và một số trường hợp vừa qua?
Để tạo điều kiện cho lớp trẻ, trước hết, tỷ lệ người trẻ trong cơ cấu của Ban chấp hành Trung ương cần được nâng lên. Tỷ lệ ba độ tuổi dưới 50, từ 50-60 và trên 61 đã được Trung ương quyết định. Chúng ta tin tưởng rằng một tỷ lệ thỏa đáng cho những người dưới 50 tuổi cũng đã được bảo đảm. Hai là, cần cơ cấu vào Trung ương những người trẻ tuổi đã có thành tích thật sự thay vì cơ cấu theo lý lịch.
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương thực hiện chủ trương thí điểm Đại hội trực tiếp bầu bí thư. Ông có ủng hộ phương án này không?
Tôi thấy Đại hội bầu trực tiếp bí thư, chắc chắn sẽ dân chủ hơn. Đây là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, mỗi tấm huy chương đều có hai mặt. Một bí thư do đại hội bầu ra sẽ có địa vị pháp lý tương đương với ban chấp hành, vì ban chấp hành cũng do đại hội bầu ra.
Về nguyên tắc, do Đại hội bầu ra thì phải chịu trách nhiệm trước Đại hội. Vấn đề là Đại hội chỉ tồn tại trong có một vài ngày. Nếu bí thư do ban chấp hành bầu ra, phải chịu trách nhiệm trước ban chấp hành. Ban chấp hành tồn tại suốt 5 năm. Với một cơ chế giám sát thường xuyên như thế này, mà ở nhiều nơi quyền lực của bí thư vẫn là quá lớn và rất khó bị kiểm soát. Nếu bí thư do Đại hội trực tiếp bầu ra, thì sau Đại hội việc giám sát quyền lực của bí thư sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoại trừ trường hợp lựa chọn chính sách của chúng ta là đề cao trách nhiệm cá nhân và tập trung quyền lực cho bí thư, các trường hợp khác chưa biết sẽ như thế nào. Theo tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, đây mới chỉ là chủ trương mang tính thí điểm. Chỉ thị như vậy là rất sáng suốt. Chúng ta nên thí điểm để tổng kết rút kinh nghiệm trước đã.
Cảm ơn ông.
“Trách nhiệm của những người đề bạt, có lẽ, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Công việc không hoàn thành vì đề bạt sai người, thì người đứng đầu phải bị cách chức”.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng
TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: “Việc tiến cử sai lầm có thể là một hành vi ngay tình, mà cũng có thể là một hành vi vụ lợi. Những người tiến cử sai lầm ngay tình, lần sau không nên được quyền tiến cử nữa. Ðơn giản là vì những người này không có đủ sự tinh tường để nhận biết và đánh giá nhân sự. Còn những người tiến cử vì vụ lợi, cần áp dụng các chế tài cần thiết từ kỷ luật, đến hành chính và thậm chí hình sự”.