Tạo điều kiện để giáo viên, học sinh công tác và học tập tốt hơn

Trước thực trạng cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn còn thiếu, nhiều điểm xuống cấp, huyện Đakrông đã triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng CSVC đảm bảo cho công tác dạy và học ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó.

Nhờ được các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, học sinh Trường Tiểu học Tà Long có điều kiện học tập tốt hơn -Ảnh: K.S

Nhờ được các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, học sinh Trường Tiểu học Tà Long có điều kiện học tập tốt hơn -Ảnh: K.S

Trường Tiểu học Tà Long, xã Tà Long, huyện Đakrông có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ với tổng số 473 học sinh, 55 cán bộ, nhân viên và giáo viên. Trước đây, phòng học, nhà ở của giáo viên của trường vẫn còn thiếu, chủ yếu là nhà tạm. Trước thực trạng đó, huyện Đakrông đã quan tâm kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ nên nhiều trường được xây dựng CSVC trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên.

Riêng trong năm học 2023-2024, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ 5 tỉ đồng xây dựng 6 phòng học tại điểm trường chính Trường Tiểu học Tà Long. Liên đoàn Lao động tỉnh đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường thôn Trại Cá có 3 phòng với tổng diện tích 130 m2, tổng kinh phí xây dựng 600 triệu đồng.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà hảo tâm cũng đã tài trợ xây dựng nhà ở cho giáo viên các điểm trường Ly Tôn và Chai. Quỹ Thiện Tâm cũng tặng 18 bộ máy tính với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Long Hoàng Đức Phước chia sẻ: “Trên cơ sở khảo sát thực trạng và đề xuất của nhà trường về thiếu phòng học, trang thiết bị dạy và học, nhà công vụ cho giáo viên, huyện đã quan tâm kêu gọi, kết nối với nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị ở đơn vị. Nhờ vậy đến nay, các điều kiện dạy và học ở nhà trường đảm bảo hơn, giúp học sinh có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn; giáo viên có nơi ăn ở, sinh hoạt ổn định, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với địa bàn vùng khó”.

Nhằm thực hiện xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đakrông ban hành nhiều văn bản liên quan. UBND huyện quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầu tư và hoàn thiện CSVC, trang thiết bị dạy học theo từng năm học.

Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch kiểm tra, đánh giá CSVC tại các cơ sở giáo dục; tiến hành tổng hợp và phối hợp với cơ quan liên quan thống nhất các hạng mục cần sửa chữa, nâng cấp, tham mưu UBND huyện cấp kinh phí thực hiện. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ xây dựng phòng học, mua sắm thiết bị dạy học, đặc biệt ưu tiên đầu tư CSVC cho các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về tầm quan trọng của công tác xã hội hóa để đầu tư xây dựng xóa phòng học mượn, phòng học tạm và nhà công vụ cho giáo viên, tạo sự đồng thuận, quan tâm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và phụ huynh đối với việc triển khai các chương trình, dự án.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện tại, CSVC, thiết bị dạy học đáp ứng mức tối thiểu cho tất cả các trường học trên địa bàn huyện, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục các cấp, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, toàn huyện có 634 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Trong đó, có 501 phòng học kiên cố (tỉ lệ kiên cố 79%), 262 phòng ở cho giáo viên. Riêng giai đoạn 2013 - 2023, từ nguồn xã hội hóa, toàn huyện đầu tư xây dựng mới 68 phòng học, 22 phòng công vụ cho giáo viên, 14 phòng học bộ môn. Tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tăng từ nguồn huy động xã hội hóa 12,1%; tỉ lệ kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên tăng từ nguồn huy động xã hội hóa 9,8%. Tổng kinh phí đầu tư của các dự án 45.627 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn cho biết: “Quá trình thực hiện các dự án xã hội hóa đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên huyện xác định phải đồng bộ, có lộ trình và theo thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải, lãng phí. Vì thế, huyện tập trung quy hoạch, sắp xếp thu gọn các điểm trường để đảm bảo quy mô số điểm trường, số nhóm, lớp theo quy định, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường và nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư về CSVC.

Tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội trong suốt quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Thông qua công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, mạng lưới trường, điểm trường ở huyện được quy hoạch, sắp xếp phù hợp theo hướng tập trung, tinh gọn. Đặc biệt, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số và con em gia đình chính sách được quan tâm hơn. Vai trò của hội phụ huynh học sinh được phát huy”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tao-dieu-kien-de-giao-vien-hoc-sinh-cong-tac-va-hoc-tap-tot-hon-186056.htm