Tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích
Xác định người cao tuổi (NCT) luôn có vị trí quan trọng trong gia đình cũng như cộng đồng, những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm sóc NCT, giúp họ phát huy vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của NCT ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện để các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và làm theo.
Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng và tỉ lệ NCT đang có xu hướng tăng lên. Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), đến 30/9/2023, toàn tỉnh có hơn 110.906 NCT chiếm tỉ lệ 16,9% dân số toàn tỉnh. Cũng như các địa phương trong cả nước, Quảng Trị đang trong tình trạng già hóa dân số, tỉ lệ NCT tăng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, đa số NCT thường sống chung đến cuối đời với các loại bệnh như: tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, sa sút trí tuệ, thoái hóa... Vẫn còn một bộ phận NCT có cuộc sống khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; còn có những cụ không nơi nương tựa, ốm đau, không được sự chăm sóc của gia đình, người thân...
Đây cũng là một trong những lý do khiến NCT dễ rơi vào tình trạng khó tính hơn, cảm giác buồn bã, cô đơn. Trước thực trạng đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn về thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe NCT theo từng giai đoạn cụ thể.
Ngành y tế - dân số tỉnh thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần của NCT. Phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng, đăng tải các phóng sự, tin, bài về thực trạng và thông điệp chăm sóc sức khỏe NCT và các tin, bài phát trên sóng phát thanh các địa phương; tổ chức nói chuyện chuyên đề về trách nhiệm của con cháu đối với việc phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCT cho hơn 800 đối tượng là các gia đình có NCT...
Hằng năm, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn trạm y tế xã phối hợp với hội NCT cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho NCT; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép khám sức khỏe định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí cho NCT tại địa phương, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa các câu lạc bộ NCT giúp NCT có sân chơi bổ ích.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 45.333 NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, đạt tỉ lệ 40,9% so với tổng số NCT toàn tỉnh. Có 44.747 NCT được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe. Số NCT có bảo hiểm y tế là 98.352 người, trong đó có 41.145 thẻ BHYT tự nguyện do NCT tự mua hoặc con cháu, người thân mua.
Nhiều địa phương ở trên địa bàn tỉnh còn quan tâm xây dựng không gian sinh hoạt để NCT tham gia tập thể dục nhẹ nhàng, chơi thể thao phù hợp với sức khỏe như: dưỡng sinh, yoga, thiền, khiêu vũ dưỡng sinh, hát dân ca, ngâm thơ, hò vè... giúp họ có sân chơi bổ ích; cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và sự dẻo dai để phòng chống bệnh tật.
Tiêu biểu, mô hình “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” được mở rộng và tiếp tục duy trì hoạt động tại 30 xã, phường, thị trấn và thành lập được 50 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với 2.377 cụ tham gia sinh hoạt.
Cụ Phan Công Chánh, chủ nhiệm CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” ở Khu phố 1, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Đáp ứng nhu cầu của NCT, CLB thường xuyên tổ chức một số hoạt động như: giải bóng chuyền hơi, đồng diễn thể dục dưỡng sinh, liên hoan văn hóa, văn nghệ; tọa đàm nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6 và Quốc tế Người cao tuổi 1/10. Đồng thời, ban chủ nhiệm CLB thăm hỏi, động viên sức khỏe những hội viên thường xuyên ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn... Thông qua các hoạt động của CLB, các thành viên được quan tâm, chăm sóc sức khỏe và tinh thần tốt hơn, giúp họ sống lạc quan, yêu đời”.
Nhờ được quan tâm về nhiều mặt, NCT trên địa bàn tỉnh tích cực nêu cao gương sáng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần ổn định chính trị - xã hội ở địa phương.
“Để NCT trên địa bàn tỉnh được chăm sóc ngày càng tốt hơn, đặc biệt là NCT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và những trường hợp không nơi nương tựa, thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc NCT, từng bước xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung như: trại dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão...; không kỳ thị và coi NCT là gánh nặng.
Cần quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT. Củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT tại gia đình và cộng đồng. Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để NCT phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, là tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ tương lai, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ, bác sĩ Trương Hữu Thiện cho biết.