Tạo điều kiện để trẻ em phát triển bình đẳng
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Vì vậy, trong những năm qua, cùng với gia đình, các ngành chức năng không ngừng nỗ lực nhằm tạo điều kiện để trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn.
Trong đó, hầu hết các ngành, các cấp đã dành kinh phí để tổ chức những hoạt động thiết thực chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em.
* Cả xã hội vào cuộc
Bà Trần Lệ Hằng, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TBXH cho biết, hằng năm Sở đã chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, các lớp nói chuyện chuyên đề liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đặc biệt, Sở đã phối hợp với ngành GD-ĐT tổ chức các hội thảo về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại các trường tiểu học, THCS nhằm trang bị hiểu biết nhất định về xâm hại cùng những kỹ năng giúp các em bảo vệ mình trước các hành vi xâm hại.
Cùng với Sở LĐ-TBXH, các ngành khác cũng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó, ngành Y tế đảm bảo về dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ em; ngành GD-ĐT tổ chức tích hợp các nội dung liên quan đến trẻ em trong các giờ giảng dạy trên lớp, phát huy vai trò của các tổ tư vấn tâm lý trong trường học; ngành VH -TTDL đảm bảo các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em thông qua các khu vui chơi, giải trí… Đối với các đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội LHPN, Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ… tham gia vận động nguồn lực hỗ trợ các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thông qua việc thực hiện đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức Hội các cấp đã cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến đời sống gia đình, chăm sóc nuôi dạy trẻ trong gia đình được tốt hơn. Hằng năm, các cấp Hội LHPN trong tỉnh còn vận động trao tặng hàng ngàn suất học bổng Nguyễn Thị Định (trị giá từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/suất) cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp tục đến trường.
* Ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Theo bà Trần Lệ Hằng, toàn tỉnh hiện có trên 7 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội phát triển bình đẳng như mọi trẻ em khác, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn ưu tiên chăm sóc đối tượng này.
Ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh cho biết, thông qua các chương trình phẫu thuật tim, khám lọc mắt, khám và phẫu thuật nụ cười, khám lọc bệnh, hỗ trợ trẻ em bệnh hiểm nghèo, học bổng, tặng xe đạp, dụng cụ học tập … trung bình mỗi năm, Quỹ BTTE tỉnh vận động hỗ trợ cho khoảng 5-7 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2019, Quỹ BTTE đã vận động hỗ trợ trên 22 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp gia đình các em vơi bớt khó khăn, giúp các em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Nhờ có sự hỗ trợ từ Quỹ BTTE tỉnh, gia đình anh Trần Thanh Hải (ngụ ấp Trung Tín, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) có điều kiện phẫu thuật tim bẩm sinh cho con trai là Trần Ngọc Nguyên (3 tuổi). Anh Hải cho biết, bản thân anh làm công nhân, vợ anh từ khi sinh bé Ngọc Nguyên ở nhà chăm con. Bị tim bẩm sinh nên từ khi sinh ra đến nay, bé Nguyên đã trải qua 2 lần phẫu thuật.
“Mỗi lần chuẩn bị cho ca phẫu thuật là mỗi lần vợ chồng tôi lo lắng đến mất ngủ, vừa lo chi phí, vừa lo cho sức khỏe của con. Có sự hỗ trợ từ Quỹ BTTE tỉnh, nỗi lo của vợ chồng tôi vơi đi một nửa. Nhìn thấy con khỏe hơn sau mỗi đợt phẫu thuật, tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, hỗ trợ của Quỹ BTTE tỉnh và mạnh thường quân” - anh Hải cho hay.
Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn được quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần.
Nhà thiếu nhi Đồng Nai ngoài chức năng phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho các em thiếu nhi, còn tổ chức các hoạt động công tác xã hội, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa. Bà Ngô Thị Hoàng Oanh, Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai cho biết, một trong những hoạt động nổi bật của Nhà thiếu nhi Đồng Nai dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chính là chương trình Ngày hội Tuổi thơ, Sân chơi tuổi thơ, Xuân yêu thương.
Theo đó, bình quân mỗi năm, Nhà thiếu nhi Đồng Nai phối hợp với các ngành tổ chức 25-30 chương trình phục vụ khoảng 15 ngàn em thiếu nhi tại các địa phương. Điểm đặc biệt của những chương trình này ở chỗ, các em có điều kiện được tham gia các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, trò chơi khéo léo… giúp các em có những khoảng thời gian sống với tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo của mình.
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, trong tháng 6 này, các ngành, các cấp trong tỉnh sẽ tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động của Tháng Hành động vì trẻ em; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em…