Tạo điều kiện giúp hội viên nông dân tiếp cận vốn vay
Xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với nông dân trong sản xuất, kinh doanh, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã tạo điều kiện giúp hội viên nông dân tiếp cận vốn vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi từ nguồn vốn hỗ trợ của nông dân. Anh Nguyễn Xuân Minh ở phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa với mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Sau nhiều năm loay hoay để tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2020 anh đã lựa chọn được hướng đi phù hợp nhờ tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi và đặc biệt là sớm được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Theo đó, được HND TP Thanh Hóa tạo điều kiện kết nối cho vay 500 triệu đồng từ dự án hỗ trợ nông dân, anh Minh đã đầu tư xây dựng 5 khu chuồng trại nuôi trên 24 vạn con gà siêu trứng và gà Ai Cập. Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc bảo đảm an toàn sinh học nên trang trại gà của gia đình anh phát triển tốt. Sản phẩm trứng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Thu nhập từ trang trại chăn nuôi của gia đình anh đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Từ mô hình chăn nuôi hiệu quả này, nhiều người đã tìm đến tham quan, học tập để nhân rộng thúc đẩy ngành chăn nuôi địa phương phát triển.
Nhằm đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ nông dân, HND tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt thực hiện tín chấp, hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tính đến đầu tháng 8/2024, thông qua 2.941 tổ vay vốn, các cấp HND trong tỉnh đã tín chấp và ủy thác với các ngân hàng cho 88.349 thành viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Đồng thời, HND tỉnh đã tổ chức giải ngân 78 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 649 hộ vay với dư nợ đạt gần 40 tỷ đồng.
Các cấp HND còn tích cực khai thác vốn từ các chương trình, dự án như chương trình vốn vay giải quyết việc làm; chương trình khuyến nông, lâm, ngư, khoa học - công nghệ... để hỗ trợ nông dân; quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với việc phát triển các tổ liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất theo hình thức nhóm hộ. Qua việc hình thành các tổ, nhóm giúp các hộ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hợp tác với nhau tiêu thụ sản phẩm. Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp HND trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị; hướng dẫn nông dân phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương. 7 tháng năm 2024, các cấp HND trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động và đã có gần 300.000 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.