Tạo điều kiện, nguồn lực tối đa để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại hội thảo 'Tham vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo' do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tổ chức sáng 12/9 tại TP. Huế. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung năm 2024.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại hội thảo

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại hội thảo

Đồng hành nhưng còn lúng túng

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN, phong trào khởi nghiệp sáng tạo (KNST), đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển mạnh tại các địa phương. Đến nay, có hơn 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 60 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 (Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025") và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Tại Thừa Thiên Huế, với quan điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST đặt doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động ứng dụng KHCN và ĐMST, kiến tạo môi trường, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Ngoài ra, còn có các hoạt động hỗ trợ, kết nối, huy động các nguồn lực, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp, ĐMST... Quỹ Đầu tư KNST tỉnh được thành lập cũng là thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn.

 Nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo phát triển về quy mô và thị trường nhờ được thụ hưởng từ cơ chế, chính sách nhà nước

Nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo phát triển về quy mô và thị trường nhờ được thụ hưởng từ cơ chế, chính sách nhà nước

Dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST, song theo các ý kiến tại hội thảo, vẫn còn khoảng trống pháp lý về hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Chẳng hạn, việc thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để hỗ trợ về hạ tầng và khơi thông nguồn lực, tạo nên các điểm nghẽn trong phát triển hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST.

Chưa có quy định cụ thể về cơ chế, thẩm quyền quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, chưa từng xuất hiện, mang tính liên ngành và xuyên ngành. Vấn đề này không chỉ dẫn tới sự "lúng túng" trong quản lý nhà nước, mà còn có nguy cơ dẫn đến những tác động không mong muốn đến kinh tế - xã hội, giảm khả năng tiếp cận đối với sản phẩm, dịch vụ mới cũng như làm mất cơ hội đưa các sản phẩm đột phá của doanh nghiệp trong nước ra thị trường.

Ngay cả việc hỗ trợ theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả, do cơ chế ràng buộc về hình thức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ, chưa thu hút, khuyến khích được các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Mức hỗ trợ thấp nên chưa thu hút doanh nghiệp tham gia do đối ứng kinh phí khó khăn...

Định lượng hóa và mở rộng đối tượng hưởng lợi

Góp ý để hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ ĐMST, KNST trên địa bàn cũng như cả nước, bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN đề xuất, cần phải xác định rõ hàm lượng bao nhiêu mới được gọi là ĐMST, quy định tiêu chí doanh nghiệp KNST. Vì hiện nay, trong các văn bản quy định còn thiếu các bộ công cụ phục vụ đánh giá ĐMST, KNST. Thiếu tính hệ thống, gây nhiều khó khăn, bất cập khi so sánh với quốc tế; chưa có các quy định về đánh giá, tôn vinh tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động KNST, ĐMST...

Theo bà Trần Thị Thùy Yên, việc điều chỉnh, xây dựng chính sách mới cần xem xét nội dung và mức hỗ trợ về chi hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp ĐMST. Làm vậy sẽ giúp cho việc hỗ trợ hoạt động KNST phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, thiết thực, tránh tình trạng thiếu nhất quán, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau.

 Đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp tham gia góp ý hoàn thiện chính sách

Đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp tham gia góp ý hoàn thiện chính sách

Nói về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động ĐMST tại Việt Nam, ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng ĐMST - Cục Phát triển công nghệ và ĐMST cho rằng, ĐMST được hiểu là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể. ĐMST không nhất thiết phải từ hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn từ kinh nghiệm, kiến thức được tạo ra trong thực tiễn sản xuất, đời sống của con người nhưng không thể tách rời KH&CN. ĐMST là sự nối dài, là bước tiếp của hoạt động KH&CN để đi vào thị trường. Đối tượng chính để thực hiện ĐMST là doanh nghiệp, doanh nhân.

Ý kiến đến từ Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho rằng, nên bổ sung, mở rộng đối tượng được hỗ trợ KNST, ĐMST mà không chỉ là doanh nghiệp có tính pháp nhân như đang áp dụng và cần cụ thể hóa danh mục hỗ trợ cơ bản. Đồng thời nên có sự đồng nhất một đầu mối tiếp nhận nguồn hỗ trợ và thẩm định nguồn, đối tượng hỗ trợ.

Hội thảo tham vấn cũng đề cập đến quá trình hoạt động KNST, ĐMST cần tận dụng những mắt xích, những mối liên kết và thế mạnh nội tại để phát triển. Dễ hiểu như, doanh nghiệp lớn, đi đầu có nhiệm vụ dẫn dắt các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao cần thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ…

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/tao-dieu-kien-nguon-luc-toi-da-de-doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-145889.html