Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Hôm qua, ngày 21-5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc trực tuyến thứ hai.

Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH nghe Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng.

QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP - AN) của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Báo cáo cho biết, Ủy ban QP - AN của QH cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lý do ban hành Luật nêu trong Tờ trình chưa quán triệt đầy đủ quan điểm tại Nghị quyết số 33-NQ/TW... Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đề cập về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu cho rằng, về tên gọi của dự thảo luật được điều chỉnh mở rộng đến hộ kinh doanh, đây là vấn đề lớn và phạm vi rất rộng, số hộ kinh doanh lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp. Mặt khác, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh rất phổ biến ở nước ta nhưng không phải là doanh nghiệp, cho nên khi mở rộng phạm vi điều chỉnh đến hộ kinh doanh thì tên gọi của dự thảo luật cũng phải xem xét lại cho phù hợp phạm vi sửa đổi của dự thảo luật.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là không phù hợp, vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, hộ kinh doanh hiện nay hầu hết là bán buôn nhỏ lẻ, khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), có thể ban hành một luật riêng để điều chỉnh đối tượng này cho phù hợp hơn.

Đề cập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy định tại dự thảo luật, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo luật lần này cần phải cân nhắc, vì đây là một vấn đề lớn, quan trọng, nhưng chưa rõ việc đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi đến hoạt động của doanh nghiệp... Thực tế cho thấy, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần, có quyền biểu quyết của Nhà nước tại dự thảo luật là hơn 50% chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng... Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp, hoặc tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp hơn, bảo đảm việc chi phối của Nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp; đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên có vốn góp cổ đông khác, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) lại cho rằng, việc nắm giữ hơn 50% vốn là có quyền quyết định phần lớn khác biệt trong quản lý kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nghị quyết đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên, hội đồng quản trị. Dự thảo luật quy định tỷ lệ vốn chi phối hơn 50% là phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và một số đại biểu cho rằng, những lần sửa đổi Luật DNNN trước đây đã có bước tiến lớn trong việc xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, do vậy đã khơi dậy nguồn lực to lớn của xã hội đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sửa đổi luật lần này, đề nghị tiếp tục tiến tới xóa bỏ triệt để hơn nữa sự phân biệt về thành phần kinh tế, về tính chất sở hữu trong các mô hình tổ chức kinh doanh. Bỏ hẳn các quy định về DNNN ra khỏi luật này, không nên có một chương riêng về DNNN trong luật, vì như vậy sẽ tạo tiền đề bất bình đẳng giữa DNNN với các doanh nghiệp do các thành phần kinh tế khác sở hữu.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Tháo gỡ bất cập trong công tác giám định tư pháp

Buổi chiều, QH đã nghe Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP).

Thảo luận về dự án Luật GĐTP, đa số đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu ở kỳ họp thứ tám. Cụ thể, dự án luật đã cơ bản giải quyết được những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác GĐTP, như: yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng kết luận giám định, kiểm soát số lượng và chất lượng của giám định viên tư pháp, tổ chức giám định theo vụ việc, thời hạn giám định, trình tự, hồ sơ, thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp... Tuy nhiên, cần cụ thể hóa một số quy định nhằm tháo gỡ bất cập trong thực tiễn công tác GĐTP ở các vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao chất lượng công tác giám định liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giao thông, xây dựng, đất đai, môi trường; giải quyết tình trạng phối hợp chưa hiệu quả giữa các cơ quan liên quan đến hoạt động GĐTP.

Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định miễn yêu cầu về sơ yếu lý lịch, lý lịch tư pháp của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan CAND, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng... Bởi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các đối tượng, không nên có sự phân biệt giữa khu vực Nhà nước và các đối tượng khác. Ngoài ra, công tác GĐTP nói chung, chất lượng GĐTP nói riêng có vai trò là căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự, trong nhiều trường hợp còn là căn cứ chủ yếu để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Do đó, việc xem xét tiêu chuẩn hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp càng trở nên cần thiết.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) bày tỏ băn khoăn về những sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Luật GĐTP hiện hành liên quan quyền từ chối tiếp nhận yêu cầu thực hiện GĐTP khi không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc GĐTP. Theo đó, cơ quan soạn thảo cần nêu rõ các tiêu chí cụ thể về lĩnh vực, phạm vi, các trường hợp nào có thể đánh giá là “không đủ năng lực, điều kiện cần thiết”. Trong trường hợp từ chối giám định, cần xác định các cơ quan, đơn vị khác đủ năng lực, điều kiện tiếp nhận yêu cầu giám định. Đồng thời, nghiên cứu các quy định nhằm rút ngắn thời hạn thông báo cho người trưng cầu, yêu cầu giám định trong trường hợp từ chối giám định để bảo đảm thời gian trưng cầu không bị kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực, lỡ cơ hội, mất điều kiện thực hiện công tác GĐTP một cách hiệu quả và chính xác nhất.

Chiều cùng ngày, đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP đã phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Theo quy định trước đây, người đăng ký kinh doanh tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký kinh doanh. Điều này làm nảy sinh tình trạng gian lận, thành lập doanh nghiệp chủ yếu để mua bán hóa đơn trục lợi, gây khó khăn trong quản lý nhà nước... Do vậy, dự thảo lần này cần bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh trụ sở doanh nghiệp thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc là có hợp đồng thuê địa điểm làm trụ sở hợp pháp; quy định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng và chế tài xử lý các đối tượng liên quan khi để xảy ra sai phạm.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam)

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp là các loại hình doanh nghiệp. Nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và là đối tượng áp dụng của luật thì khi đó nó trở thành luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp. Do đó, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/44562302-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-doanh-nghiep.html