Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển
Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi.
Khắc phục những vấn đề còn vướng
Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 5/8 đã tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/ 6/2012 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam.
Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo…
Ông Hiển cũng cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được bố cục gồm 3 điều, kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo năm 2012, quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo;
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Để hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến tập trung góp ý vào một số vấn đề trọng tâm liên quan đến: Nội dung và hình thức quảng cáo nhằm phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt;
Phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng; hoạt động quảng cáo ngoài trời, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;…
Cần phân định rõ thẩm quyền
Quan tâm tới hoạt động quảng cáo ngoài trời, các đại biểu cho biết, hoạt động quảng cáo thông qua các phương tiện quảng cáo ngoài trời được quản lý thông qua nhiều quy định, gồm: Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, giấy phép xây dựng khi xây dựng công trình quảng cáo; thông báo sản phẩm quảng cáo, quy chuẩn kỹ thuật.
Như vậy, quảng cáo ngoài trời là loại hình phương tiện quảng cáo được "quản lý chặt chẽ nhất" tại Luật Quảng cáo 2012 với nhiều quy định còn hạn chế.
Vì vậy, các ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu cắt, giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Về phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, nhiều ý kiến tán thành và cho rằng, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo được thống nhất cần phân định rõ thẩm quyền. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu lực trong thực tiễn, các đại biểu cũng lưu ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần được rà soát, thống nhất với các luật chuyên ngành liên quan nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả thực thi sau khi Luật được ban hành.
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời nhấn mạnh, thông tin góp ý tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ và xây dựng thành báo cáo chuyên đề phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36 tới đây.