Tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi, dược liệu Việt Nam ra thị trường quốc tế

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, thời gian tới, các Thương vụ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các quy định, yêu cầu để quế, hồi, dược liệu tiếp cận, phát triển thị trường xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Ngoài quế, hồi đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu khác như: thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.

Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 "Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu", ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược, Bộ Y tế đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thế Thịnh đây chưa phải là nguồn hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thế Thịnh đề nghị, các bộ, ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác.

Quế, hồi Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường

Quế, hồi Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường

Cùng đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Liên kết cá nhân trong và người nước phát triển dược liệu hướng đến xuất khẩu. Xác định chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp. Tăng cường hiệu quả vận chuyển giao hàng, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là chính sách mới.

Là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái thông tin, kim ngạch xuất khẩu quế và sản phẩm từ quế của Yên Bái rất khiêm tốn, chỉ từ 50-60 triệu USD.

"Chúng tôi mong muốn Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giới thiệu quế của Yên Bái với nhà nhập khẩu trên thế giới, thu hút nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái", ông Nguyễn Đình Chiến cho hay.

Cũng như Yên Bái, Lai Châu là một trong các địa phương có diện tích trồng quế, hồi lớn, sản lượng chế biến đạt từ 50-60 tấn/năm. Ngoài ra, Lai Châu còn có các loại dược liệu khác như thảo quả, sa nhân rất tiềm năng. Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, chi phí sản xuất, quy trình bảo quản, vận chuyển đang là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi, dược liệu ra thị trường quốc tế.

Thời gian tới, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - ông Vũ Bá Phú nêu 5 nhóm vấn đề cần tháo gỡ, đó là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.

"Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm của các địa phương; giữ kết nối chặt chẽ với Bộ Y tế, tạo mối liên kết với doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến dược liệu của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các Thương vụ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các quy định, yêu cầu để quế, hồi, cây dược liệu tiếp cận, phát triển thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường thế giới", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Lý do người bệnh đái tháo đường nên ăn chuối xanh, người đau dạ dày nên ăn chuối chín | SKĐS

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tao-dieu-kien-xuc-tien-xuat-khau-cac-san-pham-que-hoi-duoc-lieu-viet-nam-ra-thi-truong-quoc-te-169231019112707435.htm