Tạo động lực để Hà Nội đóng góp lớn hơn cho cả nước
Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết này cho phép thành phố huy động nguồn tài chính để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, phù hợp với thực tế phát triển, xứng đáng là đầu tàu, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết này cho phép thành phố huy động nguồn tài chính để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, phù hợp với thực tế phát triển, xứng đáng là đầu tàu, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Mặc dù đã có Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù phù hợp với Luật Thủ đô và Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015…, song thực tiễn phát triển của thành phố đang đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành. Được thiết kế trên tinh thần bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, những đề xuất trong dự thảo Nghị quyết bao gồm: Quy định đã có trong Luật NSNN 2015 và thực hiện từ năm 2017; một số quy định khác mức hiện hành, nhưng đã có thông lệ tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội; một số quy định mới chưa có trong các văn bản pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội… Trong đó, đáng chú ý là việc HĐND thành phố Hà Nội được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách do Thủ tướng Chính phủ giao; cho phép Hà Nội nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%, sử dụng nguồn tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng và hoàn trả trong 36 tháng; được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của ngân sách thành phố để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đầu tư xây mới các công trình thiết yếu trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cho phép sử dụng ngân sách thành phố và quận để hỗ trợ các địa phương khác (trên địa bàn và trong nước) theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
Theo Nghị quyết, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%). Các khoản thu tăng thêm này, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Nghị quyết về những cơ chế mới này được thông qua tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV theo trình tự rút gọn và triển khai thí điểm trong 5 năm là một bước đột phá thể chế mạnh mẽ và thực chất. Cơ chế này không chỉ cho phép Hà Nội tăng sự chủ động, linh hoạt và trách nhiệm khai thác, mở rộng quy mô thu NSNN từ các nguồn thu tiềm tàng, mà còn để chính quyền thành phố có thêm công cụ tài chính và hành chính đắc lực thực hiện hiệu quả mục tiêu quản lý, nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường xã hội hóa công tác bảo đảm môi trường, trật tự xây dựng, an toàn giao thông và kiến trúc, cảnh quan đô thị, từng bước hoàn thiện mô hình Chính quyền đô thị đã được Quốc hội cho phép thí điểm từ năm 2020. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững Thủ đô, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; Kết luận số 46-KL/TW ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Để khai thác có hiệu quả những cơ chế tài chính - ngân sách mới, đặc thù này, Hà Nội cần quán triệt nhận thức, nâng cao năng lực cán bộ và xây dựng những quy định cần thiết về tiêu chí, định mức, quy trình, yêu cầu trách nhiệm cá nhân và chế tài xử lý các vi phạm về quản lý thu - chi các nguồn tài chính được phân cấp trên cơ sở hài hòa lợi ích, ngăn chặn tình trạng thất thu, thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong triển khai, nhất là trong thu phí, lệ phí và sử dụng chi thường xuyên đầu tư cơ cở vật chất công sở. Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, giải trình nhằm tăng sự đồng thuận xã hội; bảo đảm việc thực hiện công khai, minh bạch, dưới sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố, sự giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.