Tạo động lực để học sinh phấn đấu vào Đảng

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, định hướng để học sinh khối THPT phấn đấu vào Đảng, từ năm 2018 đến nay (trừ 2 năm dịch bệnh), Tỉnh đoàn đều duy trì tổ chức hành trình Hạt giống đỏ dành cho đảng viên, đoàn viên ưu tú, trung kiên, học sinh tiêu biểu khối THPT.

Học sinh tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên - một trong 3 điểm đến trong hành trình Hạt giống đỏ. Ảnh: N.SƠN

Học sinh tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên - một trong 3 điểm đến trong hành trình Hạt giống đỏ. Ảnh: N.SƠN

Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, năm nay, đại biểu tham gia hành trình Hạt giống đỏ được đến tìm hiểu các khu di tích lịch sử mang dấu ấn 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Tìm hiểu “địa chỉ đỏ”

Điểm đầu tiên mà các đại biểu dừng chân là Di tích Chi bộ cộng sản Bình Phước - Tân Triều (tọa lạc tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu). Là một trong các đại biểu vinh dự được tham gia hành trình Hạt giống đỏ năm 2023, học sinh Nguyễn Phạm Hoàng Quân, Trường THPT Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, đây là lần đầu tiên đến với Di tích Chi bộ cộng sản Bình Phước - Tân Triều, nơi thành lập tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Biên Hòa, nơi huấn luyện, đào tạo nhiều cán bộ đảng viên cho tỉnh và từ chi bộ này đã phát triển thêm nhiều chi bộ khác…

Không chỉ hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong 325 năm qua mà 120 đại biểu tham gia hành trình Hạt giống đỏ còn có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong học tập và nhất là những kinh nghiệm trong quá trình phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thêm vào đó, Quân còn biết thêm về ý nghĩa của các hạng mục hiện hữu tại Di tích Chi bộ cộng sản Bình Phước - Tân Triều như khối hình chữ nhật màu đỏ tượng trưng cho màu cờ của Đảng, bia đá đặt giữa trung tâm nâng khối hình búa liềm màu vàng tượng trưng cho cờ Đảng…

Trong hành trình, các Hạt giống đỏ còn được đến với Di tích lịch sử cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa). Văn miếu Trấn Biên được xem là biểu tượng của truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt ở phương Nam nói chung; là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục của vùng đất Biên Hòa nói riêng.

Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình. Đây là nơi thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh - một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam Tổ quốc.

Ngoài 3 “địa chỉ đỏ”, đại biểu tham gia hành trình được cung cấp thêm thông tin về lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai qua phần nói chuyện chuyên đề của ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai về giá trị văn hóa - lịch sử qua 325 năm hình thành và phát triển.

Hiểu thêm về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bên cạnh hoạt động tham quan, tìm hiểu tại các di tích lịch sử mang dấu ấn trong 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú, trung kiên, học sinh tiêu biểu khối THPT trên địa bàn tỉnh đã cùng tham gia trò chơi vận động với chủ đề Học sinh Đồng Nai - theo dấu chân những người anh hùng được tổ chức tại Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là một trong những trò chơi lớn tạo cơ hội để “hạt giống đỏ” tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, ý chí phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Học sinh tham gia các trạm thử thách của trò chơi lớn trong hành trình Hạt giống đỏ. Ảnh: N.SƠN

Học sinh tham gia các trạm thử thách của trò chơi lớn trong hành trình Hạt giống đỏ. Ảnh: N.SƠN

Tham gia trò chơi lớn, các đại biểu đã chia thành các nhóm nhỏ và lần lượt trải qua 5 trạm thử thách. Vũ Ngọc Yến Nhi, học sinh Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) chia sẻ, trò chơi lớn khá ý nghĩa. Mỗi trạm thử thách một nội dung nhưng khi xâu chuỗi lại sẽ thấy được kiến thức lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chẳng hạn như ở trạm thử thách đầu tiên với tên gọi Phong trào yêu nước, các thành viên sau khi hoàn thành thủ tục nhập trạm thì tiến hành ghép 5 mảnh ghép thời gian ứng với sự kiện diễn ra các phong trào yêu nước tiêu biểu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX để thấy được yêu cầu đặt ra đối với cách mạng Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ở trạm thử thách thứ 2, tập trung vào kiến thức liên quan đến đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó là các trạm thử thách xoay quanh việc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc theo khuynh hướng cách mạng vô sản; quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trạm thử thách cuối cùng dành để nói về các tổng bí thư qua các thời kỳ kèm những câu nói bất hủ…

Lê Thị Hồng Dịu, học sinh Trường THPT Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) cho biết, các kiến thức về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đều đã học. Tuy nhiên, khi tham gia trò chơi đòi hỏi bản thân nhớ lại hoặc tìm hiểu thêm trên mạng. Điều này giúp em một lần nữa ghi nhớ các sự kiện lịch sử, hiểu thêm về quá trình thành lập, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Từ đó hình thành động cơ đúng đắn, xác lập mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202308/tao-dong-luc-de-hoc-sinh-phan-dau-vao-dang-3174270/