Tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), ưu đãi nhiều hộ dân huyện Thạch An đầu tư phát triển chăn nuôi, dịch vụ, trồng rừng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Anh Triệu Xuân Quyết, xã Trọng Con cho biết: Tận dụng diện tích đất đồi hơn 2,8 ha, xa khu dân cư, gia đình vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, mua con giống, thức ăn chăn nuôi. Ban đầu, gia đình tập trung chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo, nuôi gà. Sau khi thấy có hiệu quả, tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi thêm lợn thịt và tăng đàn. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn để làm thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm chi phí trong sản xuất. Hiện nay, gia đình đang nuôi 400 con gà ta, 50 con lợn nái, lợn thịt, 14 con bò sinh sản và vỗ béo. Trung bình gia đình xuất chuồng 30 con lợn thịt, 300 con gà thịt trừ chi phí thu nhập trên 230 triệu đồng/năm.
Hiện tại, nguồn vốn tín dụng chính sách được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai tại 100% xã, thị trấn với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay giải quyết việc làm…
Năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện huy động nguồn vốn tín dụng đạt 330 tỷ 271 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 278 tỷ 187 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 56 tỷ 185 triệu đồng, hoàn thành 99% kế hoạch; nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân 40 tỷ 818 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 2 tỷ 266 triệu đồng, tăng 819 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022. Doanh số cho vay đạt 103 tỷ 404 triệu đồng với 1.835 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 45 tỷ 438 triệu đồng, bằng 43,94% doanh số cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 329 tỷ 831 triệu đồng, tăng 57 tỷ 927 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ bình quân 2 tỷ 306 triệu đồng/tổ tiết kiệm và vay vốn; dư nợ bình quân 84 triệu đồng/khách hàng; dư nợ bình quân 22 tỷ 918 triệu đồng/xã.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch An Hoàng Mạnh Hải cho biết: Bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện, chúng tôi tiếp tục phối hợp tốt với Đảng ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách, khảo sát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn, đảm bảo cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tập trung huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách và các chính sách tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân; 100% chỉ tiêu tăng trưởng tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn được giao năm 2023.