Tạo động lực giúp phụ nữ thoát nghèo

Mô hình trồng rau an toàn ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) giúp phụ nữ địa phương phát triển kinh tế. Ảnh: KHÁNH NGỌC

Bằng các chương trình hỗ trợ vay vốn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi Phú Yên đã phát huy tinh thần tự chủ, xóa đói giảm nghèo đổi thay cuộc sống.

Mô hình trồng rau an toàn ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) giúp phụ nữ địa phương phát triển kinh tế. Ảnh: KHÁNH NGỌC

Mô hình trồng rau an toàn ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) giúp phụ nữ địa phương phát triển kinh tế. Ảnh: KHÁNH NGỌC

Trao “cần câu”...

Cách đây hơn 15 năm, gia đình chị Đặng Thị Lan là một trong những hộ nghèo ở thôn Kim Sơn, xã An Thọ (huyện Tuy An). Nhờ cán bộ Hội LHPN xã làm cầu nối, gia đình chị Lan được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay vốn hộ nghèo, đầu tư nuôi heo nái.

Nhờ chịu khó làm ăn, đến hạn trả nợ ngân hàng, chị không những trả được tiền vay mà còn tích lũy được ít vốn phát triển kinh tế. Năm 2014, chồng chị Lan qua đời, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Biết được hoàn cảnh của chị Lan, Hội LHPN xã tiếp tục tạo điều kiện cho chị Lan vay nguồn vốn ưu đãi chăn nuôi bò sinh sản kết hợp với bò vỗ béo.

Công việc chăn nuôi thuận lợi, hàng năm, mẹ con chị Lan thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn mua đất trồng keo, trồng mía. Ban đầu, chỉ trồng 2ha keo sau đó tăng dần lên 12ha keo. Hàng năm đến mùa thu hoạch keo, sau khi trừ chi phí, chị Lan thu được trên 200 triệu đồng.

Để thuận tiện cho công việc làm ăn, chị Lan tích góp tiền mua xe tải đi thu mua keo, mía trong vùng và các vùng lân cận. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình ngày càng tăng, đạt khoảng 850 triệu đồng/năm. Không những kinh tế gia đình ngày càng phát triển, chị còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương.

Từ năm 2015 đến nay, chị luôn là phụ nữ làm kinh tế giỏi điển hình trong xã, được UBND xã biểu dương khen thưởng. Nói về những thay đổi trong cuộc sống hiện nay, chị Lan chia sẻ: “Gia đình tôi có được ngày hôm nay, ngoài nỗ lực lao động, còn có sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Hội LHPN xã tạo điều kiện cho tôi vay vốn NHCSXH làm ăn thoát nghèo”.

Nhằm giúp phụ nữ địa phương có thêm động lực xóa đói giảm nghèo, ngoài giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, Chi hội Phụ nữ thôn Phú Sơn, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) còn đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn.

Chi hội đã vận động chị em góp 20 triệu đồng tiền tiết kiệm để vay xoay vòng đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời vần đổi ngày công lao động hỗ trợ nhau lúc vụ mùa khó khăn về nhân công. Ngoài ra, chi hội còn vận động chị em thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình - một chương trình quan trọng góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

“Nhờ vậy, đời sống phụ nữ trong thôn ngày càng ổn định, Chi hội Phụ nữ thôn Phú Sơn là một trong những chi hội cơ sở ở miền núi huyện Sơn Hòa được đánh giá cao trong phong trào tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, chị Rơ Ô H Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa cho hay.

Nâng cao nhận thức

Theo chị Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, để giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện cải thiện đời sống, những năm qua, tổ chức hội đã tích cực tạo cầu nối cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế. Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo các hội cơ sở tổ chức tốt việc thực hiện ủy thác, chú trọng công tác bình xét hộ vay vốn bảo đảm đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Hiện nay, các tổ tiết kiệm, vay vốn do hội quản lý đều hoạt động theo đúng quy định. Thông qua sinh hoạt, các tổ trưởng kịp thời nắm bắt tâm tư, điều kiện các thành viên để động viên, hỗ trợ chị em hoàn trả vốn, lãi đúng hạn. Đặc biệt, cán bộ hội luôn tuyên truyền vận động chị em nỗ lực xóa đói giảm nghèo đổi thay cuộc sống.

Để phát huy hiệu quả vốn vay, huyện hội còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh và các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ vay vốn; xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường... Có vốn, có kiến thức cùng với tinh thần nỗ lực vươn lên, đời sống phụ nữ huyện Sông Hinh ngày càng ổn định.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên, phụ nữ cơ sở là một trong những hoạt động trọng tâm được Hội LHPN Phú Yên đặc biệt chú trọng. Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn tín dụng do các cấp Hội LHPN quản lý là trên 1.645 tỉ đồng. Thông qua đó, các cấp hội đã giải quyết cho 61.302 hộ vay phát triển kinh tế.

Đặc biệt trong năm 2020, thông qua chương trình này, ngay từ đầu năm, 100% cơ sở hội đã đăng ký với hội cấp trên và triển khai giúp đỡ 112 phụ nữ nghèo thoát nghèo có địa chỉ cụ thể; đến nay có khoảng 150 hộ thoát nghèo (đạt 100% chỉ tiêu).

Ngoài ra, Hội LHPN cấp huyện giúp 80 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và hướng dẫn 100% cơ sở hội giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tuyên truyền vận động chị em nâng cao nhận thức, gắn việc phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời kết nối, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương. Qua đó giúp phụ nữ trên địa bàn tỉnh tích cực vươn lên làm giàu ngay trên quê hương, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Những năm qua, Hội LHPN tỉnh luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình. Thông qua đó, hàng ngàn lượt phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi Phú Yên cải thiện chất lượng cuộc sống, góp sức đổi thay quê hương.

KHÁNH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250291/tao-dong-luc-giup-phu-nu-thoat-ngheo.html