Tạo động lực phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Phóng viên (PV): Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La có bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy?

Phóng viên (PV): Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La có bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy?

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông: Tỉnh ủy lãnh đạo tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ. Thu hút các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, Tỉnh ủy xác định trồng cây ăn quả trên đất dốc là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nhằm tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu, tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và góp phần bảo đảm môi trường sinh thái. Cùng với đó là phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, tập trung và có trọng tâm, trọng điểm với quy mô hợp lý. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 13-5-2015 về tăng cường lãnh đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020; trong đó xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là nội dung cụ thể về cơ cấu lại kinh tế nông thôn, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Nhân dân là chủ thể thật sự trong tiến trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm nhân dân làm, doanh nghiệp ủng hộ, Nhà nước hỗ trợ. Xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng các tiêu chí. Tập trung đổi mới quan hệ tổ chức sản xuất, chuyển từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể, trọng tâm là phát triển hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát huy tính chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp, giải quyết các vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở.

Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh Sơn La đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp là: Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và du lịch; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Xây dựng và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu.

PV: Từ thực tiễn của tỉnh Sơn La, theo đồng chí làm thế nào để phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn?

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông: Theo tôi, trước hết phải đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Các cấp, các ngành tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Cần điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tích tụ, tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo ba cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm"). Thúc đẩy hình thành, phát triển vùng chuyên canh nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản. Phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; chú trọng hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làm cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp; xây dựng thêm nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường nghiên cứu, dự báo thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thuế quan; đa dạng hóa thị trường nhất là các thị trường tiềm năng.

Quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là lao động chất lượng cao. Đồng thời, có chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, các chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; huy động các nguồn lực để đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra các loại giống nông sản, thủy sản có năng suất chất lượng cao.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030..., góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn Sơn La tiếp tục phát triển xanh, nhanh và bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HẠNH NGUYÊN và ĐỨC TUẤN (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tao-dong-luc-phat-trien-ben-vung-nong-nghiep-nong-thon-633341/