Tạo động lực phát triển cho chặng đường mới

Từ cuối tháng 3/2022, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, các hoạt động xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, Phú Thọ đã bứt phá vươn lên với 9/9 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, tạo nền tảng vững chắc và động lực phát triển cho chặng đường mới.

KCN Thụy Vân, TP Việt Trì tạo điểm nhấn trong bức tranh phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Chỉ đạo quyết liệt

Ngay từ đầu năm, căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo quan trọng, làm định hướng cho cả năm 2022, đặc biệt là xây dựng, ban hành các kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách trên các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Tiếp tục chú trọng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021- 2025, trong đó tập trung cao nhất cho công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH), tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất, thiếu việc làm; kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ như: Miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án và triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quan điểm, định hướng lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trên các ngành, lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt là các chủ trương, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phục hồi, phát triển KT-XH.

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh tiếp tục có sự đổi mới theo hướng đồng bộ, toàn diện đi đôi với tăng cường bám nắm cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với xác định rõ thời hạn hoàn thành; quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử gắn với chính quyền số; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ ba, mức độ bốn, thống nhất sử dụng chữ ký số, văn bản điện tử; tăng cường tổ chức hội nghị trực tuyến ở các cấp chính quyền.

Đáng chú ý, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm năm, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo hoàn thành 33 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhiệm kỳ 2021-2025. Trong đó tập trung cụ thể hóa, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư, cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển nguồn nhân lực. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức hội thảo, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Hội đồng thẩm định Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022; chỉ đạo rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030; phê duyệt 40 đồ án quy hoạch các khu đô thị, du lịch; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hai Khu công nghiệp (KCN) Tam Nông, Hạ Hòa.

Trong năm đã có thêm 150ha đất sạch, bàn giao cho nhà đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nhờ đó, đã thu hút 10 dự án FDI, vốn đăng ký 500 triệu USD, 65 dự án DDI, vốn đăng ký 17 nghìn tỉ đồng, tạo động lực, bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Sản xuất điện tử, ngành công nghiệp công nghệ cao bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp cho sự tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Tăng trưởng ấn tượng

Điều ghi nhận là, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn song nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ. Xác định nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo xây dựng, ban hành các kế hoạch giai đoạn 2022-2025 về phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực; kế hoạch công tác khuyến nông; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp,...

Đặc biệt, nhờ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển cây trồng chủ lực, có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại..., nội ngành nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực với tốc độ tăng trưởng đạt 3,5%, góp phần quan trọng tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho nông dân.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bốn xã được công nhận NTM nâng cao, kiểu mẫu; 133 khu dân cư NTM, 17 khu NTM kiểu mẫu, đưa tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 128 xã, trong đó có năm xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; 1.550 khu NTM, trong đó có 30 khu NTM kiểu mẫu. Trong năm đã công nhận thêm 61 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP, nâng hạng ba sản phẩm, nhóm sản phẩm; lũy kế toàn tỉnh có 139 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên. Việc kết nối tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp thông qua chuyển đổi số bước đầu mang lại kết quả đáng phấn khởi, nhiều loại nông sản của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại lớn của toàn quốc, tạo nền tảng để người sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ số, hoàn thiện hơn quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế năm 2022 của tỉnh là sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao so với cùng kỳ, một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có bước phát triển khá như điện tử và các sản phẩm điện tử, thiết bị plasma, laser... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Công nghiệp tăng trưởng kéo theo kim ngạch xuất, nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,5 tỉ USD, tăng 48% (nằm trong tốp 10 của cả nước), giá trị nhập khẩu ước đạt 11,3 tỉ USD, tăng 32,5% so cùng kỳ.

Kết quả thu ngân sách trong bối cảnh có nhiều khó khăn đã khẳng định sự ổn định của nền kinh tế. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước đạt 8.411 tỉ đồng, tăng 48,8% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Đặc biệt, đã chỉ đạo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; đẩy mạnh công tác quản lý thu, kê khai, thu nộp thuế thu nhập cá nhân, hoạt động chuyển nhượng cổ phần, vốn góp. Công tác điều hành chi NSNN đảm bảo chủ động, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên và các khoản chi phát sinh; ưu tiên sử dụng dự phòng ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên để bố trí cho đầu tư phát triển.

Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, từ tháng 3/2022, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xây dựng phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Nhờ đó, 14/14 ngành dịch vụ, du lịch cơ bản trở lại trạng thái bình thường, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 44.037,8 tỉ đồng, tăng 18,9% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 2.650 tỉ đồng, tăng 136%; doanh thu vận tải đạt 6.065 tỉ đồng, tăng 15,8% so cùng kỳ…

Các lĩnh vực xã hội tiếp tục được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được thực hiện đúng lộ trình, 90,2% số trường học đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70,7%; tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 86%. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 được thực hiện chủ động hiệu quả.

Hoạt động thể thao quần chúng được đẩy mạnh, thể thao thành tích cao giành được kết quả nổi bật. Trong năm, các đoàn VĐV của tỉnh đã tham gia 25 giải thể thao toàn quốc, giành được 85 huy chương các loại, cử 13 lượt VĐV tham gia đội tuyển quốc gia tham dự bảy giải thể thao quốc tế, giành 13 huy chương, trong đó có chín HCV, có hai VĐV tham gia thi đấu SEA Games 31 tại Việt Nam, giành được một HCV, một HCB… Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp tỉnh Phú Thọ lần thứ IX năm 2022, các trận đấu bóng đá quốc tế (SEA Games 31, vòng loại U17 vô địch châu Á, giao hữu quốc tế U20... Công tác lao động việc làm và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,7% (kế hoạch 6,5% trở lên); tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện trên địa bàn ước đạt 38,7 nghìn tỉ đồng, tăng 12,6% so năm 2021; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 8.411 tỉ đồng/dự toán 5.651 tỉ đồng, tăng 48,8% so dự toán HĐND tỉnh giao; tỉ lệ hộ nghèo 5,24%, giảm 0,64%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 10 xã, lũy kế có 128 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 93,5%, tăng 1,2%, tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,3%; tỉ lệ khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 80%.

Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo

Dần khép lại một năm với nhiều thử thách, bản lĩnh của Phú Thọ tiếp tục được hun đúc, tạo nền tảng vững chắc và động lực phát triển cho chặng đường mới. Tại nhiều chương trình nghị sự cuối năm 2022, mục tiêu của năm mới đã được xác định với trọng tâm xuyên suốt là: Tiếp tục thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển KT-XH.

Để hiện thực hóa những mục tiêu ấy, với sự tâm huyết, trách nhiệm, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, các giải pháp căn cơ, đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm đã được hoạch định với phương châm nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới. Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, giao thông liên huyện, liên vùng; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ 11 dự án giao thông; chuẩn bị tốt các điều kiện khởi công hai dự án Khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Khu công nghiệp Cẩm Khê, Phú Hà, các Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao, Bãi Ba 2, Vạn Xuân... phấn đấu năm 2023 tạo quỹ đất sạch 150-200ha để thu hút các nhà đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư; thực hiện tốt các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa-xã hội, đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội…

Nhìn lại hành trình vượt khó và bứt phá trong năm 2022 để khẳng định sự phát triển, đi lên của vùng Đất Tổ, tạo nền tảng để Phú Thọ tự tin, vững vàng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Tin rằng, với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/tao-dong-luc-phat-trien-cho-chang-duong-moi/189277.htm