Tạo động lực phát triển cho đầu tàu phía Nam
Hội nghị tổng kết Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã bàn nhiều nội dung quan trọng
Hội nghị diễn ra sáng 9-7, tại 2 đầu cầu TP HCM và Văn phòng Chính phủ. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trình bày tham luận.
Đầu tư mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển
Trong đó, tập trung đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực, giải quyết các vấn đề nổi lên của vùng như quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường; liên kết vùng; giải pháp phát triển đô thị, mạng lưới giao thông vùng, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, chống ngập cho TP HCM; phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính, ngân hàng; công tác xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cấp cơ sở, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của vùng…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỉ trọng cao nhất trong GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Vùng đang dần trở thành "bệ đỡ" cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được. Công nghiệp của vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ....
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí khoảng 120.000 tỉ đồng vốn ngân sách để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng và liên vùng, cùng với đó là một số dự án hợp tác công - tư (PPP). Từ nay tới năm 2025, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến TP HCM - Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; thu xếp nguồn vốn để khởi công các tuyến đường Vành đai 4, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Lập quy hoạch vùng, hoàn thiện cơ chế đặc thù cho TP HCM
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá: Kết quả thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp vùng giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; là trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vùng đang gặp nhiều thách thức, mà nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.
Lãnh đạo TP HCM cho rằng thể chế hiện hành chưa đủ mạnh để khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng. Quy hoạch từng địa phương hiện nay đang tạo nên "lực kéo", thay vì "lực đẩy" cho phát triển của vùng. Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Định hướng chiến lược đặt mục tiêu lớn, nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế và chưa có các cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực từ xã hội.
Đề xuất các định hướng chính phát triển thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề nghị nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15-4-2022; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP HCM để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, tập trung đầu tư để TP HCM là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; và chương trình chuyển đổi số TP HCM.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển
Chủ trì hội nghị tại đầu cầu TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước và khu vực. Trong đó, đóng góp 35% GRDP của cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách của nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần và tỉ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần của cả nước.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng quy hoạch phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng. Tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cần xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...