Tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020', gần 5 năm qua, dù trong bối cảnh không thuận lợi (thiên tai, dịch bệnh…), ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị nông sản... Qua đó, tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Hiện, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Trong ảnh: Sản xuất nấm công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Đỗ Phong

Hiện thực hóa Chương trình số 02-CTr/TU

Ngay sau khi Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, cả hệ thống chính trị của thành phố tập trung triển khai thực hiện tạo nhiều chuyển biến rõ nét.

Theo đó, các chính sách của Trung ương và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp đã được các cấp thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Điển hình là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất. Cơ quan chuyên môn cũng đã tích cực nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đáp ứng những yêu cầu thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp của chương trình đề ra.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy chia sẻ: “Cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách, thành phố đã tập trung tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp để phục vụ sản xuất, nhất là trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Đồng thời, chú trọng thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân”. Theo đó, toàn thành phố đã tổ chức 501 lớp tập huấn khuyến nông, triển khai 46 dạng mô hình tại 484 điểm với trên 16.143 hộ nông dân tham gia…

Hà Nội cũng đã tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nổi bật là thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản... Ngoài ra, để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, Hà Nội đặc biệt chú trọng bảo vệ, phát triển các công trình thủy lợi phục vụ phòng, chống thiên tai.

Nhằm tạo ra nguồn lực mạnh mẽ trong tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, Hà Nội đã rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.225 hợp tác xã nông nghiệp, phát huy tối đa lợi thế từ loại hình kinh tế tập thể này. Trong đó, hỗ trợ, khuyến khích phát triển thành lập mới 43 hợp tác xã chuyên ngành theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã thực hiện hiệu quả việc liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Điển hình là việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Hà Nội đã hỗ trợ 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Sản xuất chuyên canh, công nghệ cao

Cùng với những giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, Hà Nội còn tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của thành phố; thực hiện khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao”… Qua đó tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thành tựu nổi bật là Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyên canh, như: Vùng trồng cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao, theo hướng an toàn, hữu cơ với diện tích khoảng 4.300ha; 47 vùng sản xuất hoa chất lượng cao với diện tích 1.800ha; hơn 200 vùng sản xuất lúa chất lượng với diện tích 40.000ha; 60 vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn với diện tích 7.229ha; phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với trên 3.800 gia trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư… Xây dựng thành công 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đến nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố).

Đặc biệt, Hà Nội đã có 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ; 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ… Nhiều loại nông sản của Hà Nội đã chinh phục được các thị trường “khó tính” như nhãn chín muộn xuất sang châu Âu, hoa cúc xuất sang Nhật Bản...

Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, song nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội vẫn phát triển ổn định. Nổi bật, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho đông đảo nông dân… Trong năm 2020, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,12%.

“Sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã giúp đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Dự kiến đến hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người/năm”, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Chu Phú Mỹ thông tin.

Với “nền móng” là những kết quả đạt được cùng với những giải pháp tái cơ cấu đồng bộ, quyết liệt trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã được tiếp thêm động lực phát triển mới. Tin tưởng chắc chắn rằng, trong giai đoạn 2020-2025, nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/979267/tao-dong-luc-phat-trien-moi-cho-nong-nghiep