Tạo động lực phát triển và kết nối vùng
Hiện nay, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xác định giao thông và công nghiệp là khâu đột phá để phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Do vậy, thị xã đã phát huy nội lực và huy động tất cả các nguồn lực xây dựng TX. Cai Lậy xứng tầm đô thị loại III, phát huy vai trò là đô thị Vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Tiền Giang.ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG
Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết, năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc và tạo đà thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. UBND thị xã đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, được chia làm 4 lĩnh vực. Trong đó, TX. Cai Lậy tiếp tục tổ chức thực hiện tốt thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các trụ sở nhà đất để tạo nguồn thu đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển và các chính sách an sinh xã hội.
Đồng thời, công bố công khai và tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023, Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2035; khẩn trương thực hiện các trình tự thủ tục chuẩn bị, tiến hành tổ chức đấu thầu, triển khai các dự án từ nguồn vốn tỉnh, thị xã, gắn thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải ngân ngay vốn đầu tư công khi có khối lượng, không để tồn đọng đến cuối năm 2023.
Năm 2023, thị xã có 37 công trình đầu tư công, với tổng mức đầu tư 541,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn giao 105,8 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 16,7 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch vốn giao. Song song với công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng kết cấu hạ tầng trong Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây, UBND thị xã đã phối hợp nhà đầu tư thực hiện cắm mốc đo đạc, kiểm đếm hoa màu, vật kiến trúc để lập phương án bồi thường, hỗ trợ người dân có đất thu hồi.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Dự án Đường số 4 và khu dân cư hai bên đường đã triển khai đến giai đoạn thực hiện bồi thường thu hồi đất, tuy nhiên đang gặp khó khăn do người dân chưa đồng thuận về giá bồi thường.
Theo UBND TX. Cai Lậy, khó khăn hiện nay là kết cấu hạ tầng giao thông của thị xã chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ, chưa có tuyến đường tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thị xã và kết nối vùng. Do vậy, TX. Cai Lậy đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh quan tâm đầu tư các dự án để thị xã hoàn thành các tiêu chuẩn của đô thị loại III chưa đạt và xây dựng đô thị Cai Lậy là đô thị trung tâm Vùng phía Tây của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đã đề ra, đặc biệt là bố trí những dự án trọng điểm mang tính đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.
TX. Cai Lậy xác định giao thông và công nghiệp là khâu đột phá để phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Do vậy. TX. Cai Lậy đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung các dự án đầu tư trong thời gian tới, như: Đường huyện 58B (Võ Việt Tân nối dài, có điểm đầu giáp đường huyện 59B, điểm cuối giáp cầu vượt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) có chiều dài 6,68 km, với tổng mức đầu tư 258 tỷ đồng; Đường Lộ Dây Thép (đường tỉnh 880B) đoạn Mỹ Long - Bà Kỳ đến đường huyện 53 có chiều dài gần 2 km, với tổng mức đầu tư 41 tỷ đồng; Đường Tây Mỹ Long - Bà Kỳ (đoạn từ cầu Kênh Ban Chón đến đường huyện 49) có chiều dài hơn 4 km, với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; Đường 30-4 (đoạn từ cầu Ấp Bờ 5 đến cầu Thanh Niên) có chiều dài hơn 1 km, với tổng mức đầu tư 39 tỷ đồng, đây là dự án để hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông trong đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III; đường Bà Thửa (xã Tân Bình) có chiều dài hơn 3 km, với tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị xã đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư, mời gọi đầu tư Dự án Trạm xử lý nước thải số 1, vì hiện nay nguồn nước thải sinh hoạt từ khu dân cư thương mại thị xã chưa được xử lý trước khi xả thải ra kinh Bảy Thước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, mỹ quan đô thị và chất lượng sống của những hộ dân xung quanh kinh Bảy Thước, trong khi nguồn vốn ngân sách thị xã chỉ đủ để bố trí nạo vét, khai thông dòng chảy mà chưa xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm...
NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Hiện nay, công tác chỉnh trang, phát triển đô thị đang được thị xã tập trung đẩy mạnh; phát huy nội lực và huy động tất cả các nguồn lực xây dựng TX. Cai Lậy xứng tầm đô thị loại III, xây dựng TX. Cai Lậy trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2030; đồng thời, phát huy vai trò là đô thị Vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Tiền Giang.
Cụ thể, thị xã huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, kịp thời điều chỉnh các quy hoạch gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình trọng điểm, các công trình bức xúc và ưu tiên vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng theo từng dự án đã được ghi vào kế hoạch trung hạn và kế hoạch năm của thị xã.
Về hạ tầng giao thông, phát triển xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đề nghị ưu tiên Dự án Đường huyện 58B (Võ Việt Tân nối dài) và Đường 30-4 (từ ấp Bờ 5 đến cầu Thanh Niên); Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kinh phí các dự án đường giao thông trên vào nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để trình HĐND tỉnh.
Năm 2023, thị xã tập trung thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn thị xã như: Dự án Khu dân cư thương mại Mỹ Phú, Khu dân cư thương mại Mỹ Lợi, Đường số 1 và khu dân cư 2 bên đường; Khu dân cư phía Tây sông Ba Rài phường 2, Khu dân cư dọc tuyến tránh Đường tỉnh 868 - Lộ Dây Thép phường Nhị Mỹ, Khu vui chơi thiếu nhi, công viên nước TX. Cai Lậy.
Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa, mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, phát triển các hình thức thương mại văn minh, hiện đại phù hợp quy hoạch, mời gọi đầu tư Dự án Xây mới chợ Tân Hội kết hợp khu dân cư; phối hợp nhà đầu tư thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây.
Bên cạnh đó, thị xã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch, đảm bảo đạt năng suất; kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô và triều cường năm 2023, đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng chí Trần Văn Thức cho biết, ngay từ cuối năm 2022, địa phương đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình phấn đấu giữ vững và nâng chất xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tập trung xây dựng xã Mỹ Phước Tây đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Long Khánh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu đạt thêm từ 1 - 2 sản phẩm OCOP và nâng cấp các sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thị xã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đa dạng hóa các mô hình đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp; rà soát, phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn để tiến hành vận động, hỗ trợ chuyển sang mô hình doanh nghiệp.