Tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 30.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các gói tín dụng có mức lãi suất ưu đãi, được xem là động lực quan trọng để người dân phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu giải ngân vốn cho người dân.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu giải ngân vốn cho người dân.

Đối tượng hỗ trợ của chương trình bao gồm: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023, một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Mục tiêu là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, năm 2022, Tây Ninh được giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 172,8 tỷ đồng, trong đó: chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 100 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 64 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 4 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch là 4,8 tỷ đồng. Trên cơ sở thông báo giao chỉ tiêu của Trung ương, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Nguyễn Võ Nhật Duy An- Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu cho biết, ngay khi nhận được phân bổ nguồn vốn, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu nhanh chóng thực hiện giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đến cuối tháng 8.2022, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu giải ngân 14 tỷ đồng (100%) vốn giải quyết việc làm; 80 triệu đồng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; 80 triệu đồng cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch (trên địa bàn huyện Bến Cầu có 1 cơ sở có nhu cầu vay vốn); 350 triệu đồng cho 1 khách hàng đối với chương trình nhà ở xã hội, dự kiến trong tháng 9.2022 tiếp tục giải ngân cho 4 khách hàng 1,8 tỷ đồng.

Chị Phạm Thị Ngọc Huệ, ấp Long Hưng, xã Long Thuận (huyện Bến Cầu) cho biết, chị vay vốn từ chương trình 10 triệu đồng để mua máy vi tính phục vụ cho việc học của con. Chị rất phấn khởi vì nhờ tiếp cận nguồn vốn mà con chị có điều kiện học tập thuận lợi hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu, ấp Long Hưng, xã Long Thuận, gia đình ông không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu từ đi làm thuê. Đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ông không đi làm nên không có thu nhập, cuộc sống bị ảnh hưởng. “Có được hỗ trợ từ chương trình, tôi vay 50 triệu đồng để nuôi bò, đến nay, bò phát triển tốt. Nguồn vốn này rất có ý nghĩa, giúp người dân từng bước khôi phục sản xuất sau đại dịch”- ông Sửu chia sẻ.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngay sau khi nhận được các thông báo giao chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện giải ngân ngay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Tính đến cuối tháng 8.2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 2.560 khách hàng, gần 126 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch. Cụ thể, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân cho 2.245 khách hàng với tổng số tiền 100 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đã giải ngân cho 53 khách hàng 19,6 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch.

Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, đã giải ngân được 224 khách hàng với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, đạt 79%.

Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch: đã giải ngân được 38 khách hàng, với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng, đạt 65,2% kế hoạch.

Từ khi triển khai thực hiện đến nay, vốn vay từ các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giúp hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho nhiều lao động; trang bị máy tính, trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh, sinh viên các cấp học; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ gần 40 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19.

Đại diện Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND cấp huyện theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, rà soát đối tượng thụ hưởng để triển khai kịp thời cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi; hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tham mưu phân bổ nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP kịp thời.

Mặt khác, đơn vị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc tập trung, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đã nhận, giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng để kịp thời hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhất là tập trung tuyên truyền chính sách cho vay nhà ở xã hội để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất.

TRÚC LY

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tao-dong-luc-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a149231.html