Tạo động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ cải cách chính sách tài chính
Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019, tại phiên thảo luận thứ nhất, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã thảo luận về cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
Vấn đề cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và thảo luận sôi nổi của các chuyên gia, các nhà khoa học tại phiên thảo luận thứ nhất trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019.
Tham luận tại Diễn đàn, PGS.,TS. Lê Xuân Bá – chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm nghẽn trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam gồm: Vốn đầu tư phát triển không nhiều nhưng hiệu quả lại thấp; Lao động đông nhưng kỹ năng kém, thể lực yếu, kỷ luật lao động chưa cao; Đóng góp của TFP vào GFP không cao...
Trong bối cảnh đó, theo PGS., TS. Lê Xuân Bá, Việt Nam cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN (vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển); Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; Xây dựng nhà nước kiến tạo, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, tạo ra môi trường thuận lợi cạnh tranh; Hoàn thiện chế độ sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân; Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế...
Liên quan đến tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Jun Fan - chuyên gia về chính sách xã hội, Văn phòng UNICEF, khu vực Đông Á Thái Bình Dương chia sẻ về vấn đề đầu tư nguồn vốn con người và năng suất lao động, trong đó nhấn mạnh đến một số vấn đề đáng lưu ý trong chi tiêu công liên quan đến năng suất lao động ở Việt Nam.
Chuyên gia này đặt ra câu hỏi: Trong khi phân bổ ngân sách chung của Việt Nam cho các ngành xã hội rất ấn tượng thì câu hỏi đặt ra là việc chi tiêu thực tế cho những vấn đề quan trọng là gì? Liệu tỷ trọng chi tiêu cho lĩnh vực xã hội trên GDP hay tổng chi tiêu của Chính phủ ở cấp quốc gia có phải là một chỉ số tốt để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc chi tiêu cho ngành xã hội khi mà mức độ huy động nguồn lực của Việt Nam còn tương đối thấp? Trong khi đó, ưu tiên chi tiêu trong ngành xã hội thực tế vẫn chưa hỗ trợ nhiều cho việc tăng năng suất lao động…
Trong bối cảnh đó, chuyên gia này khuyến nghị, Việt Nam tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dịch vụ xã hội và cải thiện thực hiện ngân sách trong các lĩnh vực xã hội mà vẫn duy trì được mức độ phân bổ chung cho các ngành xã hội, trong đó tập trung việc thực hiện ngân sách chung cho lĩnh vực giáo dục và y tế, chú trọng đến công bằng; Tăng ngân sách cho lĩnh vực bảo trợ xã hội cho trẻ em…
Tham luận tại Diễn đàn, bà Jacqueline Cottrell - Chuyên gia tư vấn chính sách tài khóa môi trường, Phó Chủ tịch cơ quan Ngân sách xanh châu Âu cũng đã có tham luận về cải cách chính sách tài chính nhằm đổi mới mô hinh tăng trưởng của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Chuyên gia này cũng đã đưa ra các khuyến nghị chung nhằm tiếp tục thực hiện chính sách tài chính xanh sau năm 2020.
Theo đó, Việt Nam cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu khi xây dựng chiến lược về kế hoạch phát triển (ví dụ chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội sau 2020); Đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung các lĩnh vực sáng tạo xanh có tiềm năng tạo ra tăng trưởng cao ở Việt Nam và cải thiện hiệu quả năng lượng trong công nghiệp trong nước; Đảm bảo thuế suất xanh đủ cao và được duy trì để thay đổi ứng xử của người tiêu dùng và khuyến khích đầu tư kinh doanh; Tăng cường các điều kiện khung đối với hợp tác công – tư và đầu tư xanh.
Chia sẻ về quan điểm cải cách chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, GS., TS. Nguyễn Thị Cành - Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho rằng cần xem xét mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước vào cơ sở hạ tầng và đầu tư cho giáo dục; Cung cấp hàng hóa dịch vụ công, cơ sở hạ tầng của Nhà nước đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách tài khóa phải hướng đến tính an toàn và bền vững. Cần giảm chi cho bộ máy Chính phủ được xem là khá cồng kềnh hiện nay thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ tài chính để giảm nhẹ gánh nặng chi cho sự nghiệp từ nguồn ngân sách.
Ngoài ra, GS., TS. Nguyễn Thị Cành cũng cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ có thể phát triển hạ tầng thông qua các hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) trong các dự án đầu tư công. Trong đó, Chính phủ cần xem lại các quy định pháp lý của các hình thức hợp tác PPP và cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát có hiệu quả quản lý đầu tư công, các hình thưc đầu tư hợp tác PPP. Cùng với đó, thu hẹp bộ máy quản lý hành chính nhà nước nhằm giảm chi tiêu thường xuyên, đồng thời cải cách hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vì đây là khu vực kém hiệu quả nhất trong đầu tư nhà nước. Cần tiếp tục tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, theo hướng Nhà nước theo hướng chỉ giữ một số ngành then chốt, giảm quy mô.
Cuối cùng, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn nhằm tạo điều kiện để Việt Nam gắn kết tốt hơn giữa chỉ tiêu và mục tiêu, đặc biệt là dự toán NSNN các cấp phải gắn với thực hiện mục tiêu (kết quả đầu ra)...