Tạo động lực thu hút đầu tư du lịch

Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: Năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. Để hiện thực hóa điều này, không thể thiếu những cơ chế, chính sách tạo động lực thu hút đầu tư vào du lịch Việt Nam.

Du khách tham quan Cầu Vàng - một công trình nằm trong quần thể du lịch Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng). (Ảnh TRANG ANH)

Du khách tham quan Cầu Vàng - một công trình nằm trong quần thể du lịch Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng). (Ảnh TRANG ANH)

Thời gian qua, ngành du lịch nước ta đã huy động được đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch. Theo Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2011-2020 đánh dấu sự đi lên cả về số lượng và chất lượng của đầu tư phát triển du lịch. Đã có hơn 1.000 dự án du lịch với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai, trong đó chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí... tại các khu du lịch có tiềm năng. Tiêu biểu phải kể đến một số dự án được "rót" nguồn vốn lớn như: Vinpearl Phú Quốc (17.000 tỷ đồng), cáp treo Phú Quốc (10.000 tỷ đồng); Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), Vinpearl Hạ Long (1.200 tỷ đồng), cáp treo Bà Nà (hơn 6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa Phan Xi Păng (4.500 tỷ đồng), cáp treo Bãi Cháy (hơn 5.000 tỷ đồng)... Hiện nay, du lịch Việt Nam cũng vẫn đang chứng minh sức hấp dẫn với các nhà đầu tư chiến lược, nhất là ở phân khúc dịch vụ cao cấp. Nhiều tập đoàn lớn đang tiếp tục đầu tư, đưa vào khai thác hàng loạt sản phẩm, dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, tính kích thích trong thu hút đầu tư du lịch tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều "điểm nghẽn". Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, dù dư địa cho đầu tư du lịch còn nhiều nhưng chúng ta còn thiếu chiến lược thu hút, tạo thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư, chẳng hạn như chưa có chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch; hạ tầng giao thông tiếp cận các điểm đến còn hạn chế, gây nản lòng nhà đầu tư... Chưa kể, quy định pháp luật trong đầu tư kinh doanh du lịch còn chồng chéo, khiến việc triển khai các dự án gặp nhiều lúng túng.

Thạc sĩ Đinh Thị Trà Nhi, Khoa Du lịch-Khách sạn (Trường đại học Ngoại ngữ-Tin học TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi bắt đầu đến khi đưa hoạt động đầu tư, kinh doanh vào thực tế, nhà đầu tư phải trải qua nhiều giai đoạn với các điều kiện, thủ tục hành chính được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau (như: Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy...). Các quy định thủ tục, điều kiện đôi khi thiếu nhất quán, thậm chí "vênh" nhau, khiến nhà đầu tư lúng túng và làm cho quy trình triển khai dự án bị kéo dài, thậm chí đình trệ, làm gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp. Đây là những "rào cản" cần được khắc phục nếu muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch.

Theo nhiều chuyên gia, để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, ngoài yếu tố tiềm năng và hạ tầng của điểm đến, thì chính sách thu hút đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng. Trao đổi tại Hội thảo khoa học "Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch vừa tổ chức, Thạc sĩ Đặng Thị Giang, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đề xuất: Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là với các địa bàn trọng điểm; tăng cường hợp tác công-tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch... Khuyến nghị một số giải pháp liên quan khung pháp lý để kích cầu đầu tư du lịch, Thạc sĩ Đinh Thị Trà Nhi nêu quan điểm: Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, được khuyến khích đầu tư và là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công-tư; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng có chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) kiến nghị, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cải thiện thủ tục hành chính, giảm thuế và các rủi ro liên quan; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ đầu tư vào ngành du lịch của nước ta...

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dong-luc-thu-hut-dau-tu-du-lich-post852393.html