Tạo động lực thúc đẩy Hòa Vang phát triển bền vững

Theo Quyết định 1287/QĐTTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đủ điều kiện thành lập thị xã với chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế ngành, cửa ngõ kết nối với các huyện Tây Bắc, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên có hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ. Để làm được điều này, huyện Hòa Vang chú ý đến yếu tố đô thị sinh thái, giàu bản sắc, tích hợp những giá trị văn hóa vào cấu trúc, lộ trình phát triển.

Tác động của đô thị hóa

TS-KTS Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Hòa Vang, cho rằng, sự phát triển của Hòa Vang thời gian qua đang làm biến dạng hệ sinh thái đặc trưng. Những tuyến đường giao thông huyết mạnh chia cắt những khu rừng, mảng xanh. Việc khai thác tại triền núi ở Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Phú; việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các dự án xây dựng đã thu hẹp các cánh đồng lúa. Nhiều khu đất canh tác mất khả năng sản xuất nông nghiệp, hay việc cải tạo các đồi núi phía Tây để xây dựng các khu chức năng có quy mô lớn khiến các khoảng không gian tự nhiên hoang sơ dần bị thay đổi...

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Đinh Thế Vinh, địa hình chia cắt lớn còn là nguyên nhân chính khiến việc phát triển kinh tế - xã hội còn bị phân hóa mạnh. Các xã miền núi tốc độ phát triển còn chậm, khoảng cách chênh lệch rõ rệt. Trong khi đó, hướng tuyến đường sắt quốc gia chạy song song với đường cao tốc chia cắt một phần địa bàn huyện, đòi hỏi các giải pháp đầu tư giao thông phát sinh kinh phí không nhỏ. Việc tổ chức các không gian chức năng sẽ khó khăn trong kết nối hạ tầng. Sự phát triển đô thị hiện hữu đang diễn ra về hướng Tây theo hướng tuyến tính dọc theo các con sông và con đường chính, đô thị dàn trải, còn lãng phí về đất đai… Việc giải tỏa đầu tư phát triển mở rộng các không gian đô thị mới luôn đi kèm các thách thức về ổn định chỗ ở và việc đảm bảo sinh kế cũng như môi trường sống phù hợp cho người dân.

Trong khi đó, theo PGS-TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, hàng năm, Hòa Vang chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong đó, mưa lớn gây ngập lụt, lũ gây ảnh hưởng đến toàn huyện. Nguyên nhân chính là do tác động của việc đầu tư phát triển khu đô thị ven sông, hạ tầng giao thông với cao độ mặt đường cao hơn nhiều so với địa hình tự nhiên. Một số tuyến, đoạn chắn ngang tuyến thoát lũ, trong khi hệ thống nước mưa chưa đảm bảo thoát lũ tự nhiên. Ngoài ra, tác động của con người như bạt núi, mở đường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản… gây ra sạt lở đồi núi, ven sông, sườn dốc nhiều nơi.

 Một khu vực thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Một khu vực thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Quy hoạch thuận thiên

Theo TS-KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, dù phát triển theo mô hình nào, Hòa Vang cần duy trì chiến lược phát triển của riêng mình đảm bảo phát triển đô thị hiện đại, có bản sắc. Duy trì một cấu trúc đô thị dựa trên hệ thống “khung tự nhiên” có giá trị. Trong đó, việc quy hoạch theo quan điểm thuận thiên sẽ tạo nên một hệ thống không gian xanh đặc sắc cho Hòa Vang. Điều này không phải chỉ là yếu tố cảnh quan thuần mà còn là “lá phổi xanh” cho đô thị, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu. Nó không chỉ tạo động lực thúc đấy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mà còn là điều kiện quan trọng để tạo nên một đô thị phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nhìn nhận, 50% khách du lịch sẵn sàng chi trả tiền cao đối với những loại hình du lịch về sinh thái cộng đồng và môi trường. Vì vậy, việc định hướng Hòa Vang là điểm đến du lịch xanh với điểm nhấn phát triển các khu du lịch sinh thái gồm: quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ, hồ Đồng Xanh, các sân golf… tạo điều kiện phát triển bứt phá về du lịch...

Trong khi đó, TS-KTS Ngô Trung Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhìn nhận, quy hoạch chung TP Đà Nẵng giai đoạn 2030-2045 đã đưa ra cấu trúc đột phá dựa trên 2 vành đai gồm công nghiệp công nghệ cao và cảng biển logistics, đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các vành đai này có điểm xuất phát đều từ Hòa Vang và tiến ra sông, biển, cho nên khả năng ứng dụng mô hình công viên logistics đô thị rất phù hợp nhằm tạo ra một tổng thể hài hòa, không chỉ là không gian kho bãi mà cả một chuỗi hoạt động liên kết sinh thái cho những hoạt động chính là logistics. Để thực hiện, địa phương cần triển khai hạ tầng khu đô thị, trong đó giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để kết nối với các trung tâm logistics trên địa bàn đến năm 2030.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-dong-luc-thuc-day-hoa-vang-phat-trien-ben-vung-post742735.html