Tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer (Bài cuối)

Trà Vinh có nền văn hóa phong phú, đa dạng, hòa quyện giữa dân tộc và tôn giáo. Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Các lễ, tết của đồng bào được tổ chức theo tập tục truyền thống, đúng quy định pháp luật, tạo không khí vui tươi trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt quan tâm công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng có đông đồng bào Khmer.

Xem bài 1

Xem bài 2

Bài 3: Giáo dục và đào tạo, y tế luôn được quan tâm

Đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh.

Đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh có 427 cơ sở giáo dục, trong đó có 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, 01 trường Trung cấp Pali - Khmer; 01 Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh.

Việc dạy và học chữ Khmer được tỉnh đặc biệt quan tâm, hàng năm nhiều điểm trường phổ thông trong tỉnh tổ chức dạy chữ Khmer, riêng năm 2022 có 121 điểm trường, mở 1.074 lớp, có 28.553 học sinh theo học; tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sách giáo khoa, tài liệu, dụng cụ dạy và học cấp cho giáo viên và học sinh, hỗ trợ thù lao cho giáo viên đứng lớp theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh; dạy chữ Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức công tác trong vùng Khmer tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Victory thuộc Trường Đại học Trà Vinh, học viên sau khi hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ quốc gia; dạy bộ môn tiếng Khmer bậc cử nhân tại Khoa Sư phạm và Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh; dạy chương trình ngữ văn Khmer và tiếng Pali bậc trung cấp tại Trường Trung cấp Pali - Khmer Trà Vinh; dạy tiếng Khmer trên sóng truyền hình Trà Vinh (kênh THTV2); dạy chương trình ngữ văn Khmer, tiếng Pali, Phật học bậc sơ cấp và trung cấp tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer, hàng năm mở hơn 150 lớp, có trên 3.000 tăng sinh, học sinh theo học. Việc dạy và học chữ Khmer, tỉnh chỉ đạo, tạo điều kiện tổ chức giảng dạy phù hợp với điều kiện, đối tượng người học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân được quan tâm, trang thiết bị y tế, mạng lưới khám, chữa bệnh được đầu tư nâng cấp, chất lượng khám và điều trị bệnh được nâng lên, đội ngũ cán bộ y tế từng củng cố, hầu hết các trạm y tế trong vùng có đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ khám, chữa bệnh; hoạt động truyền thông, dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các loại dịch bệnh trên người được thực hiện thường xuyên và hiệu quả; ý thức phòng, chống bệnh tật trong đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt. Số trạm y tế cấp xã vùng đồng bào Khmer 100% đạt chuẩn quốc gia; phụ nữ có thai được khám định kỳ 90%; phụ nữ có thai được sinh con ở cơ sở y tế đạt 99,9%; trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 4,7%, thể thấp còi còn 6,9%.

Giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 75.492/213.672 học sinh Khmer, chiếm 35,33%; huy động học sinh trong độ tuổi đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, cấp tiểu học đạt 99,90%, THCS đạt 98,61%, THPT đạt 79,85%. Hiện nay, số phòng học được kiên cố hóa 6.933/7.879 phòng, chiếm 87,99%. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển, toàn tỉnh có 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè, có 16.736 học sinh.

Hàng năm, học sinh Khmer bỏ học giảm dần. Thực hiện tốt việc hỗ trợ học sinh ở các trường thuộc xã, ấp đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí, học bổng, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên cử tuyển theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí 162,352 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến tháng 5/2024, tỉnh đã phân công công tác cho 118/139 sinh viên đào tạo theo chế độ cử tuyển. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bổ sung đội ngũ công chức, viên chức cho vùng đồng bào Khmer, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

Cán bộ, giáo viên Khmer trong ngành giáo dục ngày càng chuẩn hóa: năm 2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người lao động là dân tộc Khmer có 3.287/14.270 người, chiếm 23,03%. Trong đó, cán bộ quản lý các cấp học 111 người, nhân viên 290 người, giáo viên dạy lớp 2.873 người (nhà trẻ 25/129 người, mầm non 615/1.992 người, tiểu học 1.334/4.720 người, THCS 604/3.341 người, THPT 261/1.620 người, trung tâm giáo dục thường xuyên 34/180 người).

Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Khmer được đặc biệt quan tâm; tỉnh đã đầu tư, nâng cao chất lượng các cơ sở y tế, trạm y tế xã và đội ngũ bác sĩ, y sĩ, y tá dân tộc Khmer; năm 2022, vùng đồng bào Khmer được xây dựng mới 11 trạm y tế và sửa chữa, nâng cấp 02 trạm y tế; kinh phí đầu tư 51,6 tỷ đồng. Năm 2023 tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp 16 trạm y tế, kinh phí đầu tư 28,8 tỷ đồng để kịp thời chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và chương trình mục tiêu y tế - dân số triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế.

Chất lượng khám và điều trị bệnh cho Nhân dân từng bước được nâng lên, đội ngũ cán bộ y tế được củng cố, hầu hết các trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực trong vùng có đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 125 cơ sở khám, chữa bệnh, có 270/791 bác sĩ dân tộc Khmer; 136/428 y sĩ dân tộc Khmer, 46/916 điều dưỡng dân tộc Khmer, 39/383 dược sĩ dân tộc Khmer, 47/230 nữ hộ sinh dân tộc Khmer, trạm y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia đạt 100%; người dân tham gia BHYT đạt 96,21%.

Tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách BHYT. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, tổ chức đối thoại, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT để người dân tham gia. Duy trì 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT. Hiện có 100% trạm y tế đã được triển khai cài đặt phần mềm khám, chữa bệnh, số lượt người dân Khmer sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh tăng dần: năm 2018 có 431.950 lượt người; năm 2019 có 430.867 lượt người; năm 2020 có 373.438 lượt người; năm 2021 có 231.789 lượt người; năm 2022 có 223.029 lượt người; 2023 có 290.000 lượt người.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-toan-dien-vung-dong-bao-khmer-bai-cuoi-38012.html