Tạo đồng thuận, thống nhất cao
Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, cả nước có 50 huyện và 1.243 xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, ngành (tổng cục, cục, vụ) và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) sẽ hoàn thành trong tháng 9/2024. Sau sắp xếp, bộ máy hành chính sẽ giảm 14 huyện, 619 xã và 140 đầu mối đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành.
Theo lộ trình, việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp sẽ hoàn thành trước tháng 10/2024 để các bộ, ngành, địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Bước vào giai đoạn nước rút, các địa phương có số lượng lớn đơn vị hành chính phải sắp xếp như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... đang phải nỗ lực giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh như: giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp; xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp; điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Bộ Nội vụ lưu ý, cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được áp dụng theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp gồm: đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế-xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.
Do vậy, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian góp ý, thẩm định các đề án. Bộ Nội vụ chủ động rà soát, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của các địa phương để phối hợp xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội các cấp phải xem xét toàn diện, căn cứ vào thực tiễn không vì thực hiện sắp xếp mà gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, phải gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Bên cạnh đó, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể chịu tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-dong-thuan-thong-nhat-cao-post473233.html