Tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng

Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) có ý nghĩa quan trọng đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp dân vận khéo với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tháo gỡ khó khăn trong GPMB, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Thị xã Phú Thọ thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Năm 2022, GPMB là một trong ba nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của huyện Tam Nông, huyện xác định đây là khâu quan trọng, là điều kiện tiên quyết để các chương trình, dự án thực hiện đúng tiến độ. Hiện nay, Tam Nông đang triển khai 3 dự án trọng điểm cấp tỉnh gồm: Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C từ tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; dự án mở rộng đầu tư, xây dựng và khai thác hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Trung Hà. Ngoài ra, nhiều dự án quan trọng cấp huyện cũng đang được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân, Khu dân cư nông thôn mới xã Vạn Xuân, đường giao thông nối từ Quốc lộ 32 đi đường tỉnh 316 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông với Khu công nghiệp Trung Hà… Xác định các dự án có diện tích cần GPMB lớn, liên quan đến hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, khối lượng công việc rất nhiều và phức tạp, huyện triển khai đồng bộ nhóm giải pháp để gỡ “nút thắt” GPMB là: Chỉ đạo quyết liệt, sát sao; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận; triển khai đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người dân. Theo đồng chí Đỗ Hùng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông: “Để các dự án thực hiện đạt hiệu quả, huyện tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân, trong đó đề cao vai trò gương mẫu của đảng viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội. Huyện quan tâm đến chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi đất, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm và ngăn chặn kịp thời các hành vi trục lợi từ chính sách liên quan đến công tác bồi thường GPMB. Việc kiểm đếm trước khi GPMB tại huyện Tam Nông được thực hiện công khai, minh bạch; với trường hợp cố tình chây ỳ, vi phạm quy định, chúng tôi cũng kiên quyết xử lý, thậm chí cưỡng chế thu hồi đất”. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vướng mắc cho người dân. UBND cấp xã đẩy mạnh công tác dân vận, xuống tận nhà dân để tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng từng gia đình và có phương pháp vận động phù hợp.

Nhờ quyết liệt thực hiện nghiêm túc các giải pháp GPMB, đến nay huyện Tam Nông đã đạt được kết quả cao. Điển hình như Dự án Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C từ tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái có hơn 88.000m2 đất phải thu hồi, liên quan đến 308 hộ dân của 2 xã Quang Húc và Lam Sơn. Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi công việc từ công bố quy hoạch, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, lấy ý kiến nhân dân đến áp dụng đơn giá đền bù đều được công khai, minh bạch, thực hiện chính xác, công bằng, kịp thời. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, dự án đã hoàn thành thu hồi 100% diện tích đất và bàn giao cho đơn vị thi công.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực tháo gỡ vướng mắc, người dân xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn đồng thuận, ủng hộ thực hiện hạ tầng giao thông phục vụ xây dựng nông thôn mới.

GPMB để thực hiện các dự án là công việc khó khăn vì liên quan đến quyền lợi nhiều cá nhân, tổ chức và thường nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Xác định rõ điều này, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể ở các địa phương đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều cách làm phù hợp để tháo gỡ những “nút thắt”, tạo đồng thuận trong nhân dân để đảm bảo tiến độ thi công công trình, dự án. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, một trong những “điểm nghẽn” lớn trong GPMB là do việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết để áp dụng cho từng dự án. Ngoài ra, giá đất nông nghiệp phân biệt theo vị trí, địa giới hành chính dẫn tới tình trạng cùng là dự án Nhà nước thu hồi đất nhưng thửa đất thuộc thị trấn lại có mức bồi thường khác với với thửa đất liền kề nhưng thuộc địa phận xã lân cận. Đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng người dân tại nhiều dự án không chấp thuận phương án đền bù khi thu hồi đất.

Xác định GPMB là nhiệm vụ chính, trọng tâm trong giai đoạn 2021- 2025, để thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, lần đầu tiên Phú Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc giám sát, kiểm điểm hàng tuần đối với GPMB; phân công trách nhiệm cho từng thành viên để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, nhất quán quan điểm, thực hiện GPMB theo nguyên tắc đúng quy trình ngay từ đầu, đảm bảo công khai, minh bạch các quy định pháp luật về đất đai và công khai các phương án, chính sách đền bù GPMB. Cùng với đó, tăng cường giám sát, phản biện, kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách, những vấn đề chưa thỏa đáng trong phương án GPMB để giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Năm 2021, tỉnh đã thu hồi được trên 660ha đất sạch, trong đó có khoảng 200ha tại các khu công nghiệp để bàn giao cho các nhà đầu tư; 19 dự án trọng điểm đã được tháo gỡ những vướng mắc trong GPMB, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đến nay, việc GPMB đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn T&T, Tuần Châu, Sông Hồng Thủ đô… cùng rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác đã triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án lớn được bàn giao mặt bằng sạch đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công và về đích như: Nhà máy điện tử BYD Việt Nam giai đoạn 1, Khu Công nghiệp Phú Hà; Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy; các dự án: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản... mở ra triển vọng phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2022.

Nhờ những nỗ lực trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng sự quyết liệt trong GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư vào tỉnh Phú Thọ tăng cao những năm gần đây. Năm 2021, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 86 dự án, trong đó có 12 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 19.495 nghìn tỉ đồng và 800 triệu USD, đưa Phú Thọ vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Dự kiến trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ sẽ thu hút từ 20 - 30 dự án đầu tư trọng điểm, vốn đăng ký 20 - 25 nghìn tỉ đồng, trong đó đầu tư FDI 10 -12 nghìn tỉ đồng, tương đương từ 500- 600 triệu USD. Để phục vụ các nhà đầu tư, tỉnh phấn đấu sẽ giải phóng từ 800-1.000ha quỹ đất sạch để triển khai các dự án, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202205/tao-dong-thuan-trong-cong-tac-giai-phong-mat-bang-184177