Tạo đồng thuận trong sắp xếp tổ chức bộ máy

Đồng Nai cũng như nhiều địa phương trong cả nước đang tập trung cho việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.

Đội ngũ cán bộ trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Đ.Nhân

Đội ngũ cán bộ trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Đ.Nhân

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhận được sự ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, với kỳ vọng bộ máy mới khi đi vào hoạt động phục vụ nhân dân tốt hơn, đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ...

Thực hiện đúng yêu cầu của Trung ương

Thực hiện Kết luận số 594-KL/TU ngày 25-12-2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai, đến nay ở cấp tỉnh đã kết thúc hoạt động của 11 Đảng đoàn, ban cán sự Đảng cấp tỉnh. Kết thúc hoạt động của 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy: Khối Các cơ quan tỉnh và Khối Doanh nghiệp tỉnh. Hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Hợp nhất và sáp nhập 7 sở, ngành. Kết quả, khối Đảng tỉnh giảm 1 đơn vị; khối nhà nước giảm 6 sở. Đối với cấp huyện, giảm 11 cơ quan khối Đảng, giảm 15 phòng chuyên môn cấp huyện.

Ngoài ra, cấp tỉnh và cấp huyện cũng đã sắp xếp các ban chỉ đạo và cơ quan chuyên trách. Theo đó, các ban chỉ đạo, cơ quan chuyên trách cấp tỉnh từ 93 tổ chức, giảm còn 66 tổ chức; cấp huyện từ 326 tổ chức, giảm còn 294 tổ chức.

Theo nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai LÊ HOÀNG QUÂN, cuộc cách mạng nào cũng có những khó khăn, thử thách, hy sinh. Trước yêu cầu của đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công việc hiện tại và tới đây đặt lên vai người cán bộ rất nhiều và nặng nề. Tất cả cùng đồng lòng, đoàn kết thì sẽ đủ dũng khí, trí tuệ bước về phía trước vì mục tiêu phát triển đất nước.

Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh đã rà soát đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã. Hiện có 7.670 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; trong đó số người còn trên 10 năm công tác rất lớn, với 6.506 người. Tỉnh đã xây dựng định hướng bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi không tổ chức cấp huyện và sáp nhập xã. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp còn 55 phường, xã.

Anh N.N.P., người hoạt động không chuyên trách ở xã Long Đức (huyện Long Thành), bộc bạch quá trình công tác, anh luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện anh được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy và Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; đồng thời, anh đã học xong chương trình thạc sĩ. Bản thân anh cũng như cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của xã đồng tình với chủ trương tinh gọn bộ máy. Dù đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã sắp phải kết thúc hoạt động theo chủ trương của Trung ương nhưng tất cả đều động viên nhau còn ngày nào làm việc là làm hết trách nhiệm và rất mong muốn tiếp tục được làm việc trong hệ thống chính trị để cống hiến cho quê hương, đất nước. Đối với những trường hợp bị ảnh hưởng dôi dư do sáp nhập, mong Nhà nước có chế độ thỏa đáng cho đội ngũ này.

Đoàn kết, đồng lòng để cùng phát triển

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Trang cho biết: “Tôi hoan nghênh chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Cấp xã tới đây được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ nên vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cấp xã rất quan trọng. Có thể phân công tỉnh ủy viên làm bí thư Đảng ủy xã. Phải chọn cán bộ lãnh đạo cấp xã có phẩm chất đạo đức, năng lực vượt trội để đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Thị Minh Hoàng cho rằng, Đảng ta có chủ trương như hiện nay là rất sáng suốt, phù hợp từng thời điểm của đất nước. Cán bộ đương nhiệm phải kế thừa thế hệ đi trước, cái gì hay, tốt đẹp thì phát huy; cái gì đã lạc hậu, rườm rà thì điều chỉnh lại.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là một chủ trương lớn của toàn Đảng với quyết tâm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp bàn thống nhất phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Theo đó, thành phố Biên Hòa sau sắp xếp sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp phường.

“Chúng ta trân trọng từng tấc đất, từng kỷ niệm của thành phố Biên Hòa. Sự thay đổi về mô hình tổ chức hành chính không làm phai nhạt bản sắc, không làm mất đi những giá trị truyền thống mà bao thế hệ người dân Biên Hòa đã gây dựng, vun đắp. Cái tên Biên Hòa, với truyền thống anh dũng, kiên trung, với tinh thần lao động sáng tạo, nghĩa tình sâu nặng, sẽ mãi là niềm tự hào, là sức mạnh tiếp thêm động lực cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trước vận hội mới, chúng ta càng phải đoàn kết hơn, chung tay xây dựng địa phương mới vững mạnh hơn; gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của thành phố Biên Hòa thân yêu” - Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam bộc bạch.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/tao-dong-thuan-trong-sap-xep-to-chuc-bo-may-e4268f3/