Tạo đột phá cho ngành hàng tôm chủ lực

Nhiều năm qua, đối với tỉnh Cà Mau, ngành tôm không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp to lớn cho bức tranh kinh tế địa phương mà còn tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm ngàn hộ dân cũng như tạo động lực thúc đẩy hàng loạt các lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp gỡ khó cho ngành hàng tôm sẽ là nền tảng để hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà tỉnh Cà Mau đã đề ra.

Diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau hiện nay đạt khoảng 280.000 ha. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau hiện nay đạt khoảng 280.000 ha. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Nhận diện các thách thức

Theo thống kê, diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau hiện nay đạt khoảng 280.000 ha, với 5 loại hình nuôi chính, gồm: nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh kết hợp. Riêng trong năm 2024, sản lượng tôm nuôi đạt 242.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,12 tỷ USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, sự phát triển của ngành hàng tôm trong các năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất ngày càng phổ biến đã góp phần tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi của địa phương; trong đó, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng, nhất là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm siêu thâm canh… Từ kết quả đó nên nhiều năm liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm của địa phương luôn đạt trên mức 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành tôm tỉnh Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đối mặt với nhiều thách thức, như: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; hiệu quả sản xuất thấp và thiếu tính bền vững; chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; trình độ tiếp thu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế... nên khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản xuất đột phá ngành hàng tôm vừa được tỉnh Cà Mau tổ chức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang chia sẻ, tôm Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng. Ðây là một yếu tố quan trọng giúp ngành tôm Cà Mau duy trì thị phần tại các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tôm Cà Mau không chỉ nổi bật nhờ sản lượng lớn mà còn nhờ chất lượng vượt trội, với nhiều mô hình nuôi đạt chứng nhận quốc tế, giúp nâng cao giá trị môi trường và xã hội. Tuy nhiên, ngành tôm Cà Mau cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia, như: Ấn Ðộ, Ecuador và Thái Lan.

Theo ông Lê Văn Quang, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là dịch bệnh, làm giảm tỷ lệ thành công trong nuôi tôm và tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm ở Cà Mau vẫn còn cao so với các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt khi mô hình nuôi tôm công nghiệp và siêu thâm canh yêu cầu môi trường nuôi rất khắt khe, làm tăng chi phí…

Nhằm chung tay cùng địa phương khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thông qua hội nghị, ông Lê Văn Quang đã chia sẻ về kế hoạch thiết lập, vận hành và mở rộng chuỗi liên kết tôm Minh Phú. Theo đó, công ty sẽ lựa chọn những hộ nuôi tôm có nguyện vọng tham gia vào chuỗi liên kết tôm Minh Phú và cam kết nuôi tôm đúng, đủ công nghệ sinh học MPBiO theo cách tiếp cận y tế dự phòng và vừa sức tải của tôm…

“Trên tinh thần hợp tác cùng phát triển và cùng có lợi, Minh Phú cùng các hợp tác xã nuôi tôm liên kết có hợp đồng liên kết ràng buộc rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Minh Phú cam kết mua hết tôm của các hợp tác xã nuôi tôm liên kết với giá cao hơn 5% so với bảng giá mua tôm hàng ngày của Minh Phú” – ông Lê Văn Quang, khẳng định.

Ngành tôm sẵn sàng tạo đột phá

Năm 2025, tỉnh Cà Mau đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%. Do đó, gỡ khó cho ngành hàng tôm, ngành hàng chủ lực số một của địa phương, sẽ là nền tảng để hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Châu Công Bằng nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, ngành nông nghiệp tham mưu các nhiệm vụ trọng điểm; trong đó, ưu tiên phát triển thủy sản, lúa gạo và chăn nuôi. Ðặc biệt, ngành tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị chuyên đề về phát triển ngành tôm. “Ðây là quyết sách quan trọng, định hướng phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, tôm siêu thâm canh và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết. Mục tiêu không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn tạo động lực bứt phá cho ngành tôm, khẳng định vị thế tôm Cà Mau trên thị trường quốc tế” – ông Châu Công Bằng, cho biết.

Cụ thể, ngày 17/3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU Cà Mau về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển đột phá mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Thông qua đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài để phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Bên cạnh hàng loạt các giải pháp được nêu ra nhằm tạo bước đột phá cho ngành hàng tôm, Chỉ thị số 26-CT/TU còn nhấn mạnh rõ: “Các huyện ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển đột phá nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất; xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, giai đoạn; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị, chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả triển khai thực hiện".

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu tăng trong năm nay và hướng đến mục tiêu tăng trưởng đạt 2 con số trong những năm tiếp theo thì vai trò của ngành hàng tôm rất quan trọng, vì đây là thế mạnh của địa phương. “Tỉnh Cà Mau được mệnh danh là “thủ phủ tôm” của cả nước, song phải nhìn vào thực tế trong nhiều năm gần đây, sản lượng tôm vẫn tăng rất chậm, có thể nói là giậm chân tại chỗ, thiếu sự đột phá.

Điều này kéo theo việc kim ngạch xuất khẩu cứ loay hoay ở ngưỡng 1,1- 1,2 tỷ USD” – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại phân tích, đồng thời đề nghị, các ngành, các cấp, hơn hết là các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn cần chung tay hỗ trợ địa phương, bắt tay với người dân cùng đồng hành sản xuất, nâng cao giá trị con tôm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 của tỉnh nhà.

Với hàng loạt các nỗ lực đã và đang triển khai, theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau ước tính, nhằm phát triển đột phá năng suất, sản lượng tôm nuôi trong năm 2025, địa phương sẽ có gần 65.000 hộ dân với khoảng 127.600 ha đủ điều kiện và tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết, nuôi tôm quảng canh cải tiến; năng suất tôm sẽ đạt bình quân 550 kg/ha/năm, sản lượng ước khoảng 70.974 tấn. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm đối với mô hình siêu thâm canh cũng ước đạt 5.500 ha, năng suất bình quân khoảng 23 tấn/ha/năm, sản lượng ước đạt 126.500 tấn…

Huỳnh Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tao-dot-pha-cho-nganh-hang-tom-chu-luc-20250402135704839.htm