Tạo đột phá toàn diện về dân số
BHG - Nghị quyết số 21 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về công tác dân số (DS) trong tình hình mới là văn bản quan trọng với những mục tiêu, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng DS. Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết đã trở thành “kim chỉ nam”, đưa công tác DS tại Hà Giang có bước phát triển mới.
Nghị quyết số 21 đề ra mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa; phân bố DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Sau 5 năm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 21, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó, 100% Đảng bộ trực thuộc nghiêm túc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 40, ngày 4.5.2018 về thực hiện Nghị quyết số 21; HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch triển khai… Các Huyện, Thành ủy thường xuyên chỉ đạo, cụ thể hóa; các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng chi bộ và tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Từng bước đưa Nghị quyết số 21 vào cuộc sống, công tác DS trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, thúc đẩy KT – XH phát triển. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân nhận thức được tầm quan trọng, trách nhiệm trong chuyển trọng tâm từ DS – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang DS và phát triển. Kịp thời nhận diện, khắc phục một số vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con thứ 3, chất lượng DS. Hoạt động tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, phù hợp với các nhóm đối tượng; từ 2018 – 2022, tổ chức 9.650 cuộc truyền thông cho 482.500 lượt người; góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm về công tác DS trong tình hình mới. Đồng thời, UBND tỉnh kịp thời rà soát, bổ sung, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật về DS phù hợp với thực tế của tỉnh. Triển khai hiệu quả Nghị định số 39 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách DS; 5 năm qua, có 3.561 phụ nữ được hỗ trợ với tổng số tiền trên 7,1 tỷ đồng.
Mạng lưới, chất lượng dịch vụ về DS không ngừng phát triển, nâng cao với sự quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ cán bộ y tế, DS. Hệ thống y tế công lập và tư nhân được đầu tư, nâng cấp, góp phần cung cấp các dịch vụ về nâng cao chất lượng DS. Mạng lưới cộng tác viên DS được bao phủ rộng khắp, tích cực triển khai các hoạt động quản lý, tiếp cận, cung cấp các biện pháp tránh thai. Triển khai thí điểm hiệu quả dịch vụ tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai; qua đó, đa dạng hóa kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Giai đoạn 2018 – 2022, toàn tỉnh có 38.847 lượt người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; cấp miễn phí 38.490 vòng tránh thai và 116.684 lọ thuốc tiêm tránh thai… Bảo đảm nguồn lực cho công tác DS, tỉnh ta quan tâm phê duyệt kinh phí, đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động, ưu tiên cho khu vực vùng sâu, xa, nơi có tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao...
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21, chất lượng DS trên địa bàn tỉnh từng bước cải thiện; giảm sinh hướng đến ổn định, quy mô DS được kiên trì thực hiện. Đồng thời, vị thế phụ nữ được cải thiện, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng tuổi thọ bình quân… Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về DS và phát triển theo Nghị quyết số 21; đổi mới mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền, vận động; nâng cao hiệu quả mạng lưới cung cấp dịch vụ DS thường xuyên, thuận lợi, an toàn.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202212/tao-dot-pha-toan-dien-ve-dan-so-872227f/