Tạo đột phá trong cải cách hành chính
Năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Đồng thời là động lực nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn với tinh thần 'lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền'.
Trên tinh thần đó, cả hệ thống chính trị thành phố cũng như mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay, tạo chuyển biến thực chất trong cải cách hành chính cũng như chuyển đổi số. Cùng với triển khai Đề án 06 của Chính phủ, mới đây, thành phố đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, tiếp nhận phản ánh các vấn đề về đời sống dân sinh, công khai minh bạch để người dân tham gia đóng góp cải cách hành chính, chuyển đổi số, chung tay xây dựng Thủ đô. Nhờ đó, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố nhiều năm liên tiếp luôn trong tốp 10 của cả nước.
Tuy nhiên, thực tế còn một số tồn tại dẫn đến việc Hà Nội bị mất điểm ở một số tiêu chí trong đánh giá về cải cách hành chính. Đó là việc công khai, cập nhật thủ tục hành chính chậm ở một số lĩnh vực; tình trạng trả kết quả thủ tục hành chính trễ hẹn vẫn còn. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng theo Đề án 06 còn thấp (tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử là 12,39%, so với mức cả nước là 64,38%); một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức.
Điều khiến dư luận băn khoăn là vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, gây bức xúc với công dân, nhất là một số lĩnh vực “nhạy cảm” như đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Trước yêu cầu cấp thiết của việc đẩy mạnh cải cách hành chính một cách thực chất, hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 4762/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng Thẩm định, đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã.
Để việc đánh giá được bảo đảm công khai minh bạch, Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định điểm tự chấm của các sở, quận, huyện, thị xã và quyết định điểm đánh giá theo từng nội dung, tiêu chí thành phần đối với từng sở, quận, huyện, thị xã. Qua đó xem xét, thông qua kết quả điều tra xã hội học xác định PAR Index năm 2024 của các sở, quận, huyện, thị xã.
Để tạo đột phá trong cải cách hành chính cũng như chuyển đổi số, trước hết, các đơn vị chức năng của thành phố cần tập trung rà soát, tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là thể chế liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục duy trì và sử dụng có hiệu quả các kết quả PAR Index và Chỉ số sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) để làm cơ sở ban hành, chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
Các đơn vị, địa phương liên quan cần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cũng như thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” trong giải quyết công việc cho nhân dân. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Để có môi trường kinh doanh thuận lợi, thành phố Hà Nội cũng như các địa phương không còn lựa chọn nào khác là phải tạo đột phá trong cải cách hành chính, nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện với người dân và doanh nghiệp. Trong đó, xây dựng các chương trình cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, giảm giấy tờ và tăng cường công khai, minh bạch sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công và hỗ trợ thực chất cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-dot-pha-trong-cai-cach-hanh-chinh-678523.html