Tạo đột phá trong truyền thông chính sách

BHG - Chính sách là vấn đề quan trọng hàng đầu trong sự phát triển KT – XH. Do đó, truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp để mở ra những nguồn lực, tạo sức mạnh, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách.

Truyền thông chính sách là quá trình trao đổi thông tin về chính sách của các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Từ đó, bảo đảm để mỗi người dân đều được tiếp nhận thông tin ngay từ khi chính sách còn là dự thảo đến khi ban hành, có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Đây còn là kênh thông tin để lấy ý kiến khi xây dựng các chính sách mới hay điều chỉnh, tạo ra sự đồng thuận xã hội. Báo chí và các loại hình truyền thông là kênh thông tin, phương thức cơ bản để thực hiện truyền thông chính sách, tạo ra tính đa chiều, tương tác, điều chỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 21.3.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, hoạt động này được tỉnh ta tăng cường, đặt đúng tầm nhiệm vụ.

 Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023 với chủ đề “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang”. Ảnh: PHẠM HOAN

Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023 với chủ đề “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang”. Ảnh: PHẠM HOAN

Công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách đã được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng với phương châm: “Truyền thông đi trước để thống nhất và nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong xã hội”. Đồng thời, thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí. Nổi bật, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin. Các cơ quan báo chí thường xuyên phối hợp trong truyền thông chính sách, phản ánh kịp thời, xây dựng tin, bài, phóng sự lấy ý kiến người dân về các dự thảo luật, các văn bản, quy định, chính sách mới. Bằng các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, hoạt động truyền thông chính sách góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội. Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển KT – XH; xây dựng Nông thôn mới, thu hút đầu tư, giảm nghèo... có đóng góp rất quan trọng từ hiệu quả truyền thông chính sách.

Mặc dù là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, Hà Giang được đánh giá là một trong những địa phương thúc đẩy sớm các hoạt động truyền thông số. Những kết quả được minh chứng rõ nét từ việc tổ chức thành công Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông chính sách trên cơ sở phát huy ưu thế sẵn có, năm 2024, tỉnh ta tiếp tục nhân rộng mô hình Ngày hội truyền thông. Trong đó, các huyện, thành phố tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tổ chức mô hình hàng năm để đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa hình ảnh địa phương trên nền tảng số. Đồng thời, ghi nhận, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân có các hoạt động truyền thông sáng tạo, tích cực; chủ động bố trí, sử dụng nguồn lực theo phân cấp, kết hợp huy động xã hội hóa.

Đồng bào người dân tộc thiểu số huyện Yên Minh tiếp cận thông tin chính sách qua các ấn phẩm của Báo Hà Giang. Ảnh: LINH CẦM

Đồng bào người dân tộc thiểu số huyện Yên Minh tiếp cận thông tin chính sách qua các ấn phẩm của Báo Hà Giang. Ảnh: LINH CẦM

Đảm bảo triển khai các giải pháp đồng bộ, ngày 3.5.2024 UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1268 chỉ đạo về tăng cường truyền thông chính sách trên hệ thống truyền thanh. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT – TH tỉnh, các huyện, thành phố thống nhất lịch phát thanh các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT – TH tỉnh hàng ngày trên hệ thống truyền thanh cơ sở toàn tỉnh. Đồng thời, Đài PT – TH tỉnh ưu tiên sản xuất các nội dung bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc truyền thông chính sách của tỉnh, của T.Ư phát trên các hệ thống phát thanh FM, hệ thống phát thanh trực tuyến. Các địa phương tổ chức tiếp sóng, chuyển tiếp các chương trình phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở theo khung giờ quy định. Qua đó, truyền thông đa chiều về các chính sách, kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ phát triển KT – XH, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân.

Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về vị trí, vai trò, hiệu quả của truyền thông chính sách; đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số, tạo động lực để truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng tham gia; quan tâm bố trí, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm và linh hoạt triển khai truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách…

PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/tao-dot-pha-trong-truyen-thong-chinh-sach-bf14b14/