Tạo đột phá từ đề án phát triển nông nghiệp

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát cụ thể hóa bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án. 1 trong 3 lĩnh vực đột phá là thực hiện Đề án 01 về 'Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025'.

Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Ðảng bộ huyện Bát Xát (10/10/1949 - 10/10/2022)

Những điểm sáng ở vùng cao

Những ngày đầu tháng 10, dù là ngày trời nắng hay ngày mưa đầy sương mù bao phủ thì trong căn phòng tiếp khách của ông Trần Quang Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Hoa Lợi tại thôn Phìn Hồ, xã Y Tý vẫn rực rỡ bình hoa ly tỏa hương thơm ngát. Ông Quảng tươi cười nói với chúng tôi sản phẩm đặc biệt mà công ty lần đầu tiên sản xuất được với số lượng lớn, có thể cung cấp cho thị trường trong năm 2022.

Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi trồng rau trái vụ cung cấp cho thị trường.

Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi trồng rau trái vụ cung cấp cho thị trường.

Sau hơn 10 năm thăng trầm, đến nay, công ty đã dần đi vào ổn định với việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Trong 9 tháng năm 2022, công ty đã sản xuất và liên kết với các hộ trồng, tiêu thụ 300 tấn rau trái vụ gồm bắp cải, su hào, cải thảo... Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên công ty sản xuất được 50 vạn cây hoa ly nhập giống từ Hà Lan. Từ sản xuất rau và hoa, trừ chi phí, công ty thu lãi khoảng 1,4 tỷ đồng. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng và hướng tới phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý, vùng đất Y Tý có thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển rau trái vụ, hoa quả ôn đới... Vì thế, cấp ủy đảng, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 đến năm 2030 và Đề án 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát về “Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025”.

Trong 9 tháng năm 2022, cùng với lúa, ngô, lạc, xã trồng hơn 55 ha rau trái vụ như bắp cải, cải thảo, su hào, thu được 485 tấn, ngoài ra còn thu 12 tấn lê VH6; trồng 8,3 ha cây dược liệu, 28 ha cây hoàng sin cô...

Rời Y Tý, chúng tôi có mặt tại xã Nậm Pung. Cũng là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát, nhưng những năm gần đây, Nậm Pung được nhiều người biết đến vì có lê Tai nung nổi tiếng. Đầu tháng 7 năm nay, tại thôn Kim Chu Phìn, xã Nậm Pung, lần đầu tiên UBND huyện Bát Xát tổ chức Lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê Tai nung. Những vườn lê vào mùa trĩu quả được du khách khắp nơi tìm đến tham quan, thưởng thức và mua quả lê về làm quà. Người dân càng thêm phấn khởi vì lê được mùa, được giá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Gì Mờ, Chủ tịch UBND xã Nậm Pung cho biết: Từ hơn 10 năm trước, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã vận động đồng bào người Hà Nhì, người Dao thử nghiệm trồng cây lê Tai nung. Đến nay, xã đã có 106 ha lê, riêng năm 2021 trồng mới 4,8 ha. Vụ lê năm nay, bà con thu hoạch được 42 tấn, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Năm 2022, xã Nậm Pung tiếp tục vận động người dân trồng mới 50 ha, góp phần đưa cây lê trở thành cây trồng chủ lực của xã, giúp bà con giảm nghèo bền vững.

Việc phát triển cây lê Tai nung là hướng đi đúng của Đảng bộ xã nhằm thực hiện Đề án 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát. Trong 9 tháng qua, xã Nậm Pung giảm được 20 hộ nghèo...

Mô hình trồng cây dược liệu tại xã Y Tý.

Mô hình trồng cây dược liệu tại xã Y Tý.

Tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Bát Xát xác định tập trung chỉ đạo thực hiện 3 mũi nhọn, tạo đột phá cho huyện, một trong những đột phá đó là thực hiện Đề án 01 về “Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025”. Nội dung chính của Đề án 01 là phát triển vùng cây ăn quả tập trung; sản xuất rau an toàn ứng dụng một phần công nghệ cao; xây dựng và phát triển ổn định vùng trồng cây dược liệu ứng dụng một phần công nghệ cao; sản xuất giống lúa tập trung; củng cố, phát triển vùng chè nguyên liệu; duy trì một số sản phẩm chủ lực như chuối, dong riềng, hoàng sin cô; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Về chăn nuôi, sẽ phát triển chăn nuôi ngựa hàng hóa; tái đàn, phát triển đàn lợn đen bản địa bền vững; chăn nuôi cá nước lạnh theo hướng an toàn; xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP...

Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Việc thực hiện Đề án 01 đã và đang đem lại nhiều kết quả quan trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện trồng mới 361,75 ha cây ăn quả; 4,7 ha cây ăn quả được chăm sóc, cải tạo và có hệ thống tưới nhỏ giọt. Trong 9 tháng năm 2022, người dân trồng 101 ha trồng rau an toàn, trong đó có 45 ha ứng dụng một phần công nghệ cao; thu hoạch 910 tấn dưa hấu, 320 tấn rau trái vụ; trồng gần 118 ha cây dược liệu như xuyên khung, đương quy, sả... thu hoạch được 755 tấn chè búp tươi các loại (tương đương 15 tấn chè thành phẩm), tổng giá trị ước đạt 15,1 tỷ đồng.

Toàn huyện phát triển đàn ngựa 2.284 con, tăng 354 con so với cuối năm 2021; đàn lợn 38.810 con, tăng so với cuối năm 2021 là 4.889 con; xuất bán 45 tấn cá nước lạnh. Bát Xát hiện có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh và tiếp tục xây dựng thêm 5 sản phẩm OCOP năm 2022.

Nông dân xã Mường Vi chăm sóc đàn ngựa.

Nông dân xã Mường Vi chăm sóc đàn ngựa.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bát Xát khẳng định: Việc thực hiện Đề án 01 của huyện Bát Xát là chủ trương đúng và phù hợp khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết 10 ngày 26/8/2020 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 đến năm 2030.

Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu đưa Bát Xát trở thành huyện biên giới phát triển, huyện tập trung thực hiện 3 lĩnh vực đột phá, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 01. Cùng với đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện đề án, huyện sẽ lồng ghép triển khai các nội dung của Đề án 01 với Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 38 của Huyện ủy; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp mời gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất gắn với định hướng các sản phẩm chủ lực; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng, vùng miền của từng địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361161-tao-dot-pha-tu-de-an-phat-trien-nong-nghiep