Tạo đột phá về thể chế, kiến tạo không gian cho phát triển

Với phương châm hành động là 'vì nhân dân phục vụ,' mọi quyết sách, mọi hoạt động của chính quyền phường sẽ luôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Lời mở đầu

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp mang tính lịch sử. Với sự đồng thuận rất cao, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền từ ba cấp sang hai cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã). Đây là một quyết sách chưa từng có, mang tính đột phá cả về tư duy tổ chức lẫn cách thức vận hành nhà nước.

Như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên bế mạc ngày 27/6, các quyết sách, đạo luật được thông qua tại kỳ họp này có tính cách mạng, khởi đầu cho những cải cách thể chế một cách căn cơ, định hướng những nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Việc sửa đổi Hiến pháp cùng đó là sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh… không chỉ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, mà còn giúp các doanh nghiệp tận dụng các lợi thế vùng, lợi thế địa lý để đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững. Đặc biệt là giảm bớt tầng nấc trung gian, tối ưu chi phí hành chính, tăng hiệu quả điều hành, mở ra cơ hội quản trị số-quản trị dữ liệu-quản trị trực tiếp, thay cho hành chính giấy tờ.

Nhìn nhận một cách khách quan từ thực tiễn công việc, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng việc hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một bộ máy thực sự “tinh, gọn, hiệu quả” để đưa đất nước "cất cánh" trong kỷ nguyên mới, quan trọng hơn là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ trong bộ máy hành chính nhà nước, bởi các luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy được thông qua tại kỳ họp này thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy và phong cách làm việc.

“Từng cán bộ, công chức cần nhận thức rõ vai trò của mình là người phục vụ Nhân dân, là người kiến tạo phát triển, chứ không phải là người quản lý hay ban phát. Điều này đòi hỏi sự thay đổi từ trong nhận thức đến hành động cụ thể. Song song với đó, cần xây dựng cơ chế để loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém, tiêu cực một cách kiên quyết và công khai,” đại biểu Trịnh Thị Tú Anh mong muốn.

Thực tế cho thấy, việc đổi mới quản lý nhà nước là yếu tố cơ bản nhất để tạo nên sự đột phá cho phát triển đất nước. Bởi nhìn lại trong quá khứ, nhiều chính sách ban hành vẫn chưa đi vào cuộc sống, thậm chí cản trở sự phát triển kinh tế, mà một phần trong đó chính là do việc cải cách hành chính chậm trễ, bộ máy cồng kềnh…

Rõ rệt hơn, trong việc thực hiện quy trình đầu tư công, nhiều chuyên gia cho rằng “điểm nghẽn” trước đây mà nhiều doanh nghiệp thường gặp phải đó chính là “nhiều tầng nấc, thiếu tính tích hợp và linh hoạt.”

Đơn cử, từ bước lập chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án, phân bổ kế hoạch vốn trung hạn đến vốn hằng năm, rồi đến điều chỉnh kế hoạch vốn-mỗi khâu đều cần xin ý kiến, trình cấp thẩm quyền và bổ sung hồ sơ theo mẫu biểu khác nhau. Nhiều cơ quan cùng tham gia, dẫn tới tình trạng chồng chéo, kéo dài và không rõ trách nhiệm. Hệ quả là cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, dự án chậm khởi công, hiệu quả sử dụng vốn giảm sút đáng kể.

Chính vì vậy, để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026), cần tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Chủ trương này cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, xã, phường, đặc khu, ngày 30/6, theo đó, quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân…

Qua loạt bài viết “Quốc hội bám sát “hơi thở” đời sống kinh tế-xã hội: Quyết sách cho tăng trưởng và đổi mới,” nhóm phóng viên báo điện tử của VietnamPlus mong muốn đưa đến bạn đọc những góc nhìn thực tiễn trong công tác xây dựng pháp luật, những chính sách cần thiết được ban hành trong một giai đoạn cụ thể nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo sức bật cho tăng trưởng nhanh và bền vững, với sự vào cuộc rất quyết liệt, tích cực, chủ động và sáng tạo từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

Bài 1: Tạo đột phá về thể chế, kiến tạo không gian cho phát triển

Việc cải cách về thể chế là một điểm nhấn quan trọng nhất tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Từ khơi thông thể chế, bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả sẽ là một đòn bẩy để doanh nghiệp và người dân được phục vụ và hưởng lợi, từ đó đóng góp và cống hiến nhiều cho sự phát triển của đất nước trong Kỷ nguyên mới.

Phương châm hành động "vì nhân dân phục vụ"

Chuẩn bị cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp, thành phố Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến ngày 1/7/2025, theo đánh giá 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến 30/11/2025, toàn bộ thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp tỉnh. Mục tiêu là trên 90% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã thành lập 12 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công (gồm 30 điểm tiếp nhận) hoạt động tương đối độc lập để hạn chế tiếp xúc, nâng cao hiệu quả phục vụ. Các chi nhánh được trao quyền điều phối, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Ngoài ra, thành phố chỉ đạo triển khai 476 mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến trên toàn địa bàn.

 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội trong ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội trong ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó Tổng Thư ký Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm đầu mối, thủ tục, tăng hiệu quả phục vụ doanh nghiệp.

Dẫn chứng trước đây, nếu một dự án chạy qua địa phận hai tỉnh, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ ở cả hai nơi, thậm chí cách hiểu, cách áp dụng luật giữa các địa phương khác nhau, dự án có thể bị đình trệ, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kéo dài qua nhiều tỉnh, nay địa giới hành chính được hợp nhất, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại một đầu mối duy nhất, theo ông việc này giảm gánh nặng chi phí cơ hội và rủi ro pháp lý, là điều cộng đồng doanh nghiệp đã mong đợi từ lâu.

Không những thế, diện tích và tài nguyên (đất đai, khoáng sản, lao động…) của các tỉnh sau sáp nhập sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất, xây dựng nhà máy, vùng nguyên liệu, khu công nghiệp… Với một địa bàn rộng lớn hơn, các địa phương cũng có thể thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư lớn, khi mọi nguồn lực mới đều đã sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đầu tư đó.

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, mỗi lần triển khai một dự án, doanh nghiệp thường phải đi qua nhiều cấp hành chính, làm việc với nhiều sở ngành, gây tốn kém thời gian và nhân lực. Khi mô hình 2 cấp được triển khai, quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai hay môi trường sẽ bớt lòng vòng nhờ giảm lớp trung gian và tập trung đầu mối xử lý. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với dịch vụ công, rút ngắn chu kỳ thực hiện các quyết định kinh doanh.

“Điều doanh nghiệp mong muốn nhất là bộ máy mới cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất với các thước đo cụ thể, như: thời gian giải quyết thủ tục, số lượng thủ tục, số lượng các đầu mối cấp phép, chi phí cho thủ tục hành chính phải được giảm xuống; không có tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính,” ông nói.

Khi mô hình 2 cấp được triển khai, quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai hay môi trường sẽ bớt lòng vòng nhờ giảm lớp trung gian và tập trung đầu mối xử lý.

Không chỉ doanh nghiệp, việc tinh gọn bộ máy hướng tới nền hành chính hiện đại luôn là một mong mỏi của người dân. Theo bà Nguyễn Thị Việt Thoa, Bí thư chi bộ 10, phường Bạch Mai, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, bỏ bớt khâu trung gian với điểm nhấn là cải cách thủ tục hành chính là nội dung được người dân vui mừng nhất.

“Trong mọi hoạt động của người dân đều gắn liền với thủ tục hành chính. Do vậy, khi bộ máy chính quyền cấp xã đi vào hoạt động, việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản nhiều khâu trung gian để hoạt động hiệu quả hơn đều rất được người dân ủng hộ,” bà nói.

Hình ảnh của một chính quyền “thân thiện, gần dân, vì dân” luôn là mục tiêu cao nhất trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Việt, Bí thư đảng ủy phường Đống Đa cho rằng sau khi thực hiện sắp xếp, tinh thần “tư duy mới-hành động mới-vì dân phục vụ” không chỉ là khẩu hiệu mà phải thể hiện bằng từng việc làm cụ thể.

 Hình ảnh của một chính quyền “thân thiện, gần dân, vì dân” luôn là mục tiêu cao nhất trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hình ảnh của một chính quyền “thân thiện, gần dân, vì dân” luôn là mục tiêu cao nhất trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ máy tinh gọn hơn thì trách nhiệm phải cao hơn, phối hợp giữa các bộ phận phải chặt chẽ, quy trình giải quyết công việc phải rõ ràng, minh bạch. Người dân, doanh nghiệp đến trụ sở hành chính phải cảm nhận được sự chuyển biến về thái độ phục vụ, về thời gian xử lý hồ sơ, về sự gần gũi và lắng nghe.

“Chính quyền hai cấp là cơ hội để chúng ta đổi mới toàn diện cách vận hành bộ máy nhà nước tại địa phương. Với địa bàn rộng, dân số lớn như Đống Đa, càng phải chủ động, linh hoạt và tận tâm hơn nữa để phục vụ tốt nhất cho người dân và các tổ chức đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây,” ông Vũ Ngọc Việt nói.

Còn theo ông Nguyễn Quang Trung, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy, chính quyền phường mới luôn tiên phong trong đổi mới và sáng tạo, trong đó, cam kết không ngừng học hỏi, tiếp thu những cái mới, những cách làm hay để nâng cao chất lượng công tác, giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh từ cơ sở của nhân dân, đồng thời, khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, mọi sáng kiến từ cơ sở để xây dựng phường ngày càng phát triển.

Đặc biệt là quyết tâm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó, rà soát, sắp xếp lại bộ máy một cách khoa học, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Mỗi cán bộ, công chức sẽ được giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, đảm bảo thực hiện công việc nhanh chóng, chính xác, tránh chồng chéo, lãng phí.

“Phương châm hành động của chúng tôi là "vì nhân dân phục vụ." Mọi quyết sách, mọi hoạt động của chính quyền phường sẽ luôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng tôi cam kết lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia và giải quyết kịp thời mọi kiến nghị, phản ánh chính đáng của bà con; tăng cường đối thoại, công khai, minh bạch mọi hoạt động để nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra và được thụ hưởng,” ông Nguyễn Quang Trung nói.

 Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện cải cách hành chính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện cải cách hành chính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giải quyết điểm nghẽn thể chế một cách đồng bộ

Các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tiếp tục thực hiện theo tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật: Luật chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc nghị định, thông tư; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này thực hiện theo quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, nhưng với sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa các cơ quan đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn.

 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Với các quyết sách được thông qua, theo đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), kỳ họp thứ 9 đã tạo nền tảng, mở cửa cho một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình của dân tộc. Đặc biệt, Kỳ họp thể hiện sinh động ý Đảng và lòng dân với quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, cải cách bộ máy hành chính cùng niềm tin tuyệt đối của Nhân dân, cả hệ thống chính trị vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển của cách mạng Việt Nam.

“Những quyết sách vừa được thông qua không chỉ là cú hích cho phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo ra một động lực phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai,” đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, khi bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và đạt được mức tăng trưởng hai con số, cần phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế một cách thực sự đồng bộ và trọn vẹn.

Kỳ họp thể hiện sinh động ý Đảng và lòng dân với quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, cải cách bộ máy hành chính.

Vì vậy, liên quan đến các động lực tăng trưởng như động lực về đầu tư, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung để tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư công như Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật về tài chính, đấu thầu, đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, nhiều điều khoản của các luật đã mở ra cho khu vực tư nhân động lực tăng trưởng quan trọng. Như Luật Đường sắt (sửa đổi) với hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù đã được luật hóa, giúp mở đường cho đầu tư tư nhân tham gia vào chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đồng thời, cho phép được triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư bên cạnh hình thức đầu tư công.

 Ông Lê Hồng Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hồng Hà trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính tại Điểm số 1-Khu vực Tứ Liên. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Lê Hồng Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hồng Hà trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính tại Điểm số 1-Khu vực Tứ Liên. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong Nghị quyết 198 cũng đã quy định rất chi tiết về động lực, những thể chế, chính sách về thuế, về đấu thầu, về nhân lực để giúp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận được các nguồn lực. Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách nhanh chóng.

“Để các luật, nghị quyết được thi hành hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp cần phải cụ thể hóa bằng các nghị định, nghị quyết, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo động lực phát triển mới trong kỷ nguyên mới của đất nước,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp bản lề cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Với những quyết sách lớn, từ sửa đổi Hiến pháp đến loạt luật quan trọng và các nghị quyết thiết thực cho đời sống nhân dân, Quốc hội đã khẳng định rõ vai trò kiến tạo, định hướng phát triển, bảo đảm quốc kế dân sinh và thúc đẩy khát vọng “vươn mình” của dân tộc.

Đặc biệt, việc tổ chức thực thi nhanh chóng, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được thông qua sẽ tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng liên tục hai con số trong nhiều năm tới./.

 Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam 2025 thu hút hơn 500 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: TTXVN)

Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam 2025 thu hút hơn 500 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tao-dot-pha-ve-the-che-kien-tao-khong-gian-cho-phat-trien-post1048063.vnp