Tạo đột phá xây dựng Vĩnh Tường trở thành vùng quê phát triển, đáng sống
Từ một huyện có nền kinh tế phát triển ở điểm xuất phát thấp, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự cần cù, nỗ lực, tích cực lao động, sáng tạo của mỗi người dân, sau hơn 25 tái lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Tường đã làm nên nhiều dấu ấn đậm nét, có những bước đột phá rất đáng tự hào. Vĩnh Tường trở thành điểm sáng của tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, bức tranh đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc.
Khi mới tái lập (1/1/1996), Vĩnh Tường gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, công nghiệp hầu như chưa có gì, thương mại là lĩnh vực chính trong ngành dịch vụ nhưng quy mô nhỏ bé…
Để xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã phân tích, xác định rõ những tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức, từ đó, đề ra những mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm, cũng như những giải pháp tổ chức thực hiện trong từng thời kỳ, giai đoạn phát triển.
Trên cơ sở bám sát những quan điểm, chỉ đạo, định hướng của Trung ương và của tỉnh, trong mỗi nhiệm kỳ, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, trong đó, có nhiều nghị quyết, chương trình mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng nông thôn mới, phát triển các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ…
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nghị quyết gắn với xây dựng chương trình hành động, các kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đạt được; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đổi mới mạnh mẽ phương thức, lề lối làm việc hướng mạnh về cơ sở; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở trong dồn thửa, đổi ruộng, việc quản lý và xử lý vi phạm, tranh chấp đất đai để kịp thời tháo gỡ, không để phát sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài...
Nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh vào thực tế của địa phương, đến nay, kinh tế của huyện Vĩnh Tường phát triển nhanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6% (giai đoạn 1996-2000) lên hơn 11% (giai đoạn 2015-2020).
Vĩnh Tường là một trong số ít các huyện đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất hiệu quả. Hạ tầng đô thị và nông thôn được đầu tư đồng đồng bộ, có trọng điểm, đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp, khu đô thị gắn liền với tổng thể quy hoạch chung của huyện như Cụm KT-XH Tân Tiến, Đại Đồng; Cụm công nghiệp Đồng Sóc; Khu đô thị mới Tứ Trưng, thị trấn Vĩnh Tường...
Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 thị trấn (Vĩnh Tường, Thổ Tang, Tứ Trưng), 2 đô thị loại V (Thượng Trưng và Tân Tiến); các hoạt động dịch vụ phát triển sôi động, huyện đã xây dựng đề án xây dựng thị trấn Thổ Tang trở thành Trung tâm thương mại cấp khu vực giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường mới đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu kho bãi, vận chuyển hàng hóa, giải quyết thủ tục hải quan của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng như trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản, kho vận của nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Vĩnh Tường là huyện dẫn đầu tỉnh và thành công trong thực hiện dồn thửa đổi ruộng, xây dựng NTM với số xã đạt chuẩn nhiều nhất tỉnh (26/112 xã). Chất lượng giáo dục luôn giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh; luôn là điểm sáng của tỉnh trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các doanh nghiệp, đơn vị phụng dưỡng suốt đời.
Mỗi năm, huyện đã huy động xã hội hóa được hàng chục tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, tặng quà, sổ tiết kiệm tặng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vĩnh Tường là huyện đầu tiên 4 năm liên tiếp tổ chức chương trình“Tết ấm tình quê hương”, tặng quà Tết cho 100% hộ nghèo và 100% hộ cận nghèo (Xuân Tân Dậu năm 2021); người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được giúp đỡ kịp thời...
Phát huy những thành tựu sau hơn 25 tái lập, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra, xây dựng huyện Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV vào những năm đầu của thập niên 20 và đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững "vùng xanh" an toàn để phát triển KT-XH, Vĩnh Tường tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả công tác dồn thửa, đổi ruộng làm cơ sở để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Xây dựng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trở thành những vùng quê đáng sống; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thu hút doanh nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao vào đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, xây dựng và mở rộng các cụm công nghiệp, cụm làng nghề; tập trung giải phóng mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm như Khu du lịch sinh thái đầm Rưng, Khu du lịch, dịch vụ Vĩnh Thịnh- An Tường...
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch; quan tâm, giải quyết các quyền lợi cho người dân khi thu hồi đất bảo đảm lâu dài với phương châm “lấy công nghiệp nuôi đô thị”...