Tạo dư địa phát triển mới cho các địa phương
Chiều 25.5, Tổ 18 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam đã thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đánh giá kỹ tác động để bảo đảm hài hòa lợi ích
Theo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) phạm vi đầu tư khoảng 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông có chiều dài 27,8km; qua địa phận tỉnh Bình Phước dài 101km, bao gồm cả 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có quy mô 6 làn xe.
Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh, đồng thời giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Việc chuẩn bị dự án sẽ thực hiện trong năm 2023 và 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 và năm 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Thảo luận về nội dung này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh, đây không phải là mong muốn của riêng cử tri trong vùng mà là của cử tri cả nước. Tuy nhiên, điều mà đại biểu băn khoăn là có nên đầu tư cao tốc chỉ có 4 làn xe? Theo đại biểu cần xem lại, đã đến lúc nên thay đổi đầu tư từ 6 - 8 làn xe.
Về bố trí vốn, đại biểu Thạch Phước Bình phân tích, nếu theo như phân kỳ đầu tư dự án sẽ rất khó vì thời gian còn lại rất ngắn. Không khéo, sẽ phải chuyển 5 dự án thành phần thành vốn đầu tư công nên cần thiết phải có cam kết thực hiện.
Một vấn đề nữa mà đại biểu Thạch Phước Bình nêu ra là hiện sức hút đầu tư PPP rất kém, như chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật; thiếu các biện pháp chia sẻ rủi ro; khó tiếp cận tín dụng và giải quyết tranh chấp; vốn tín dụng thắt chặt hơn. Vậy dự án thành phần của cao tốc này có vướng vào các khó khăn này không? Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt và trong dự thảo Nghị quyết, Quốc hội cần nhấn mạnh điều này, tránh chuyển các dự án thành phần sang đầu tư công.
ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cũng tán thành chủ trương đầu tư vì dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo dư địa mới cho sự phát triển của các địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu lại hướng tuyến để phù hợp với các quy hoạch nhằm vừa tiết kiệm ngân sách, vừa bảo đảm hiệu quả dự án sau khi hoàn thành. Đối với việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải bảo đảm chi tiết, công khai, minh bạch, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ tác động dự án để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.
Không nên ban hành Nghị quyết riêng
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương, cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình, cần thiết điều chỉnh nội dung tại chủ trương đầu tư, nhất là quy định nguồn vốn của Chương trình.
Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình là nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương hàng năm và các quy định hiện hành.
Về xác định đối tượng, địa bàn thực hiện đầu tư của một số dự án thuộc Chương trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tán thành và đánh giá cao việc đề xuất bổ sung 4 đối tượng gồm một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị đại học, đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì thực tế trong quá trình thực hiện nội dung này đang bị “vướng” và rất khó. Tuy nhiên, theo đại biểu, không nên ban hành nghị quyết riêng về điều này mà chỉ nên ghi trong nghị quyết chung của kỳ họp.
Còn theo ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), do không điều chỉnh nhiều nội dung nên tên gọi như Tờ trình thì “lớn” quá. Đại biểu đề xuất tên gọi chỉ nên là điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và cũng không nên ban hành nghị quyết riêng.