Tạo dựng môi trường sống an toàn cho trẻ
ĐBP - Xác định vai trò và tầm quan trọng của trẻ em đối với sự phát triển của xã hội, các cấp ủy, chính quyền, cùng các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực; quan tâm, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.
Chương trình khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em khuyết tật do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Trung tâm II - đơn vị trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên thực hiện. Ảnh tư liệu
Nhiều hoạt động thiết thực
Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra từ ngày 1 - 30/6 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù không tổ chức lễ phát động nhưng các hoạt động chăm lo cho trẻ em vẫn được triển khai. Trước tháng hành động, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa nhằm chung tay đảm bảo môi trường sống cũng như quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Tháng 4 vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ từ thiện Mindalife đã khởi công xây dựng điểm trường Tiểu học Háng Sua, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông). Đây là một trong những điểm trường khó khăn với 1 dãy nhà xây và 1 dãy nhà gỗ đã hư hỏng, xuống cấp. Từ sự kết nối của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, công trình điểm trường Háng Sua được đầu tư xây dựng mới 2 phòng học, bếp ăn, sân, cổng, hàng rào… với tổng kinh phí 608 triệu đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào giữa tháng 7, để đảm bảo cơ sở vật chất cho điểm trường sẵn sàng bước vào năm học mới. Cũng trong tháng 4, chương trình khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em khuyết tật do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp triển khai đã thành công tốt đẹp với 1.000 trẻ em tham gia chương trình, đã chỉ định phẫu thuật và can thiệp cho 210 trẻ.
Điện Biên hiện có 2.033 trẻ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước, trong đó 752 trẻ mồ côi, 51 trẻ bị HIV/AIDS, 391 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 839 trẻ khuyết tật nặng; duy trì nuôi dưỡng tập trung 265 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 63.425 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, khuyết tật vận động với số tiền hàng tỷ đồng. Nhân dịp tết Nguyên đán, ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) hay tết Trung thu, hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, tặng quà, nhận học bổng, trợ cấp… Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả; thông qua các chương trình tiêm chủng cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. 100% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện thường xuyên công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; 91,2% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; 99,5% trẻ em dưới 6 tuổi được duy trì cấp thẻ BHYT; 100% trẻ được đăng ký khai sinh; 91% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc…
Vì môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 214.800 trẻ dưới 16 tuổi, trong đó trên 8.100 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ xâm hại trẻ em và 3.408 ca trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó tử vong 78 ca .
Trước thực tế đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em đã được tăng cường, đẩy mạnh ở các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cơ sở và được lồng ghép với nhiều nội dung phong phú liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 5 buổi hội thảo cấp tỉnh cho 350 đại biểu về triển khai quy trình phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em; tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cho 863 cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp và cộng tác viên; thực hiện tốt mô hình ngôi nhà an toàn “trường học an toàn” và cộng đồng an toàn, phòng, chống Covid-19 cho trẻ em; tổ chức 376 buổi truyền thông tại cộng đồng cho 4.296 lượt về kiến thức kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc trẻ theo phương pháp kỷ luật tích cực, phòng, chống Covid-19 tại 3 huyện (Tuần Giáo, Điện Biên Đông và Tủa Chùa). Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội về công tác bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, vận động toàn xã hội cùng thực hiện mục tiêu bảo vệ trẻ em.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, có 81/129 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em (đạt 63%); 91% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc giúp đỡ; 100% số vụ xâm hại trẻ em khi phát hiện đều được xử lý nghiêm minh đúng pháp luật. Hệ thống bảo vệ trẻ em được thành lập và kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; 100% huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em cấp huyện; 100% xã, phường, thị trấn thành lập nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã.
Bà Lê Xuân Hồng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là tình cảm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ sẽ tạo môi trường tốt để trẻ học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành.