Tạo dựng nền tảng ý thức cho thế hệ trẻ
Chứng kiến niềm vui của các em học sinh khi tham gia các phong trào, các cuộc thi về tình yêu quê hương đất nước lồng ghép với nội dung bảo vệ chủ quyền đất nước, các thầy cô cũng như phụ huynh đều vui mừng, phấn khởi.
Bởi không chỉ có các em học sinh được tuyên truyền, giáo dục mà chính người lớn cũng được vun đắp thêm tình cảm và ý thức.
Thời gian gần đây, nhiều phong trào được tổ chức trên khắp cả nước và đã đem lại hiệu ứng tích cực. Có thể kể đến hoạt động giáo dục chuyên đề “Bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Hoạt động giáo dục tập trung môn Giáo dục địa phương ở Gia Lai đã đem những kiến thức, thông tin mà trước đây các học sinh chưa chú ý đến.
Trên bình diện địa phương thì việc hiểu rõ giới hạn lãnh thổ của nước mình với nước bạn cũng là truyền thông tin và tác động đến ý thức mỗi học sinh về lãnh thổ của nước ta. Qua đó, hình thành nền tảng ý thức tìm hiểu thêm thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.
Những thông tin tuyên truyền, giáo dục tưởng khô khan nhưng đem lại hiệu quả tốt cho việc tạo dựng ý thức cho học sinh là điều chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn. Việc truyền đạt kiến thức trên trường lớp có thể chưa đủ đem đến hứng khởi như các hoạt động ngoại khóa.
Chúng ta cần tạo sự tương tác, giao lưu, học hỏi giữa học sinh với nhau, kéo theo sự tham gia của cộng đồng kết hợp với nhà trường để tuyên truyền, tạo dựng ý thức, lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đó cũng chính là thành công của tỉnh Khánh Hòa trong công tác giáo dục và đào tạo toàn diện hơn cho học sinh. Nội dung về giáo dục chủ quyền biển đảo đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đưa vào chương trình chính khóa ở trường phổ thông. Các trường ở Khánh Hòa cũng tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về tình yêu biển đảo, truyền thông mạnh mẽ nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh.
Gia đình là tế bào của xã hội. Một đứa trẻ được hưởng sự giáo dục của gia đình, nhà trường và cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Việc giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Tổ quốc cho học sinh còn có tác dụng tích cực khác là “tuyên truyền ngược” lại phụ huynh.
Trong đó, kết hợp lấy phụ huynh làm gương cũng có ảnh hưởng đến tạo dựng nền tảng cho học sinh, truyền cho các em lòng yêu nước một cách tự nhiên. Ở các buổi sinh hoạt, nhà trường cần khuyến khích, động viên phụ huynh tham gia và cố gắng làm gương tốt cho con em mình.
Một cách tuyên truyền hiệu quả cho trẻ em về lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia là thông qua hội khuyến học, dòng họ và các bậc cao niên có uy tín trong cộng đồng.
Câu chuyện về một già làng ở Quảng Nam tích cực giáo dục con cháu có ý thức không vi phạm pháp luật đã trở thành cảm hứng để người dân, thanh-thiếu niên trong làng hưởng ứng.
Thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhưng điều quan trọng hơn là từ kiến thức phải biến thành hành động. Thực tế tại một số địa phương cho thấy, khi được giáo dục thường xuyên, các em học sinh sẽ hình thành ý thức trách nhiệm với quê hương, trở nên có lý tưởng sống và mục tiêu phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Thông qua những hoạt động giáo dục thiết thực, tin rằng chúng ta sẽ tạo dựng được nền tảng ý thức của học sinh về chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tình hình mới.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tao-dung-nen-tang-y-thuc-cho-the-he-tre-post300773.html