Tạo dựng thương hiệu giáo dục đại học gắn với chất lượng đào tạo

Việc các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam liên tiếp được ghi nhận trong các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế trong vài năm trở lại đây thể hiện thành tích vượt trội của GDĐH nước nhà.

Tuy nhiên, trong số hàng trăm cơ sở GDĐH của Việt Nam, số trường được ghi nhận trong các bảng xếp hạng quốc tế vẫn còn khiêm tốn. Điều này đòi hỏi cần có thêm những đột phá để nâng cao chất lượng GDĐH, tiệm cận theo chuẩn của các nước trên thế giới. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này.

 PGS, TS Nguyễn Thu Thủy.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy.

Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về việc các cơ sở GDĐH của Việt Nam liên tiếp được xướng tên trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế trong những năm trở lại đây?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Trước hết, phải khẳng định đây là những thành tựu rất đáng tự hào của hệ thống GDĐH Việt Nam nói chung và từng cơ sở GDĐH nói riêng. Với chủ trương đúng đắn và sự đầu tư tích cực của Nhà nước cùng nỗ lực không ngừng của các cơ sở đào tạo, thời gian qua, các cơ sở GDĐH Việt Nam liên tục được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu của thế giới với các vị trí rất đáng tự hào.

Điều này trước hết khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong đầu tư cho GDĐH; đồng thời khẳng định uy tín, thương hiệu của các trường đại học Việt Nam trong GDĐH thế giới. Kết quả xếp hạng đại học hôm nay chính là kết quả của quá trình đầu tư đúng đắn, hướng tới phát triển lâu dài, bền vững với chính sách đẩy mạnh tự chủ đại học, đồng thời đầu tư vun cao, tạo sự đột phá trong GDĐH.

PV: Số trường của Việt Nam được ghi nhận trong các bảng xếp hạng còn khiêm tốn. Theo bà, thực tế này nói lên điều gì về chất lượng GDĐH Việt Nam?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: GDĐH Việt Nam có lịch sử phát triển non trẻ hơn rất nhiều so với GDĐH khu vực và thế giới. Những cơ sở đào tạo của Việt Nam được ghi nhận trong các bảng xếp hạng này đều là những cơ sở GDĐH có bề dày phát triển, có uy tín, thương hiệu, được quan tâm đầu tư và đã có những hướng phát triển, lựa chọn đúng đắn khi xúc tiến hội nhập quốc tế. Thực tế, bên cạnh các cơ sở GDĐH như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam còn có nhiều đại học và trường đại học được xếp hạng ở các bảng xếp hạng uy tín như: Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Cần Thơ… Mỗi cơ sở đào tạo có thể lựa chọn các bảng xếp hạng phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu phát triển của mình để cải tiến, điều chỉnh theo tiêu chí của bảng xếp hạng đó.

Nếu như chất lượng giáo dục tạo ra nền tảng phát triển bền vững thì uy tín quốc tế giúp các trường đại học khẳng định vị thế, thu hút nguồn lực quốc tế cho trường đại học và giúp trường đại học vươn xa hơn. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của việc tham gia các bảng xếp hạng không phải là chỉ để làm thương hiệu, mà còn vì những mục tiêu cốt lõi khác. Đó là điều chỉnh, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, chất lượng giảng viên, quy trình quản lý, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chất lượng và hiệu quả đào tạo… để nâng cao năng lực đào tạo, quản trị, qua đó thu hút đầu tư phát triển và trên hết là có thể đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cộng đồng.

Tôi tin rằng rất nhiều cơ sở GDĐH đã và đang ý thức được điều này và đang có sự đầu tư, chuẩn bị tích lũy, cải tiến, điều chỉnh để tạo sự bứt phá so với chính bản thân mình, trên các bảng xếp hạng và trong chính hệ thống GDĐH nói chung.

 Học sinh được tư vấn trong Chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2020 tổ chức tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

Học sinh được tư vấn trong Chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2020 tổ chức tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

PV: Tới đây, Bộ GD&ĐT có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng GDĐH, tiệm cận theo chuẩn của các nước trên thế giới, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Nâng cao chất lượng GDĐH luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Bộ GD&ĐT. Thời gian qua, bộ đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính sách để hướng tới thực hiện mục tiêu đó. Bộ đã xây dựng, ban hành và chuẩn hóa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo không gian pháp lý cho các cơ sở GDĐH tự chủ trong các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và các vấn đề liên quan.

Bên cạnh việc khuyến khích các cơ sở GDĐH tham gia xếp hạng đại học để khẳng định uy tín và vị thế, Bộ GD&ĐT cũng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng, đẩy mạnh kiểm định chất lượng. Nhiều cơ sở GDĐH đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế có uy tín. Việc được đánh giá và công nhận của các tổ chức kiểm định uy tín cũng là một sự khẳng định về chất lượng đối với GDĐH Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Hiện tại, bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở GDĐH và các bên liên quan xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho từng trình độ của GDĐH, cho các ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo. Trên cơ sở đó, các cơ sở GDĐH sẽ rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn chương trình đào tạo; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn chương trình và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Đây là cơ hội để GDĐH Việt Nam tiệm cận chuẩn quốc tế.

PV: Có thể thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở GDĐH công lập đã được đẩy mạnh triển khai trong những năm qua. Tuy nhiên, ở cấp độ quản lý, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để cơ chế tự chủ phát huy hiệu quả tốt nhất, bảo đảm đích cuối cùng là nâng cao chất lượng GDĐH?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Về chỉ đạo điều hành hệ thống GDĐH nói chung, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH, chuẩn GDĐH là cơ sở cho các trường thực hiện tự chủ và công cụ thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở GDĐH tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, các hoạt động kiểm định chất lượng đối với cơ sở và chương trình đào tạo; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH và xử lý vi phạm hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm vi phạm.

Về chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Quy chế tuyển sinh, quy định về xác định chỉ tiêu…; trong đó đã tạo điều kiện phát huy quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở GDĐH trong công tác tuyển sinh như kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Các cơ sở GDĐH được tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình và phải bảo đảm điều kiện bảo đảm chất lượng xác định theo tiêu chí tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-dung-thuong-hieu-giao-duc-dai-hoc-gan-voi-chat-luong-dao-tao-626787