Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai: Bắt đầu từ đội ngũ giáo viên
Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là: 'Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học'. Để thực hiện được nhiệm vụ này thì nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh là hết sức quan trọng.
Linh hoạt các hình thức dạy học
Trong chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là một môn học tự chọn ở lớp 1, 2 và là môn bắt buộc ở khối lớp 3, 4, 5 cấp tiểu học, cấp THCS và THPT. Thống kê trong năm học 2023 - 2024, tổng số học sinh lớp 1 và lớp 2 học tiếng Anh trong cả nước đạt trên 80%. Số học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 học tiếng Anh đạt 100%. Một số địa phương đã triển khai trên 90% như: Hà Nội (98,5%); TPHCM (98%); Hải Phòng (trên 96%); Bình Dương (100%); Hưng Yên (100%); Ninh Bình (95,2%)… bằng việc sử dụng hình thức xã hội hóa để tổ chức học tự chọn tiếng Anh.
Với sự linh hoạt trong việc giảng dạy ngoại ngữ, nhiều hình thức học tập đa dạng thể hiện sự đồng hành vượt khó, chia sẻ giữa các vùng miền hay giữa các địa phương với nhau đã xuất hiện. Đơn cử, 40 giáo viên của Nam Định hàng tuần vẫn dạy tiếng Anh cho các em ở huyện miền núi Mù Cang Chải và Trạm Tấu (Yên Bái), gần 60 giáo viên ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hàng tuần vẫn dạy cho học sinh các trường vùng khó khăn ở Hà Giang... Các địa phương đã rất nỗ lực trong mọi điều kiện đều dành sự quan tâm để học sinh được học môn Tiếng Anh.
Dẫu vậy, từ hiện thực học và thi môn Tiếng Anh vẫn còn những thách thức. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội chỉ ra, qua quan sát phổ điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm, phần ngoại ngữ chúng ta thấy có 2 đỉnh rõ ràng. Đỉnh thứ nhất rất cao là đỉnh số lượng học sinh đạt điểm thi ngoại ngữ thấp, tầm 4 - 5 điểm; còn đỉnh thấp hơn bên cạnh là số lượng các học sinh đạt điểm cao, khoảng 9 - 10 điểm. “Khoảng cách giữa 2 đỉnh này rất xa, cho thấy hành trình chúng ta đẩy nhanh tiến độ để đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hành trình gian nan” - bà Hoa nêu vấn đề.
Giải bài toán nguồn tuyển, đội ngũ
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay khó khăn nhất đó là đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên. PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết cần phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là vùng miền núi. Ngoài ra còn vấn đề khó khăn về nhận thức, vẫn còn các bậc phụ huynh nghĩ tiếng Anh là môn học tự chọn và chỉ cần qua môn. Điều này rất khó tạo được sức bật, nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Anh trong phát triển nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, cải cách, đổi mới thi cử… GS.TS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lưu ý, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì toàn bộ cái khó sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào việc thực hiện ở các vùng đang khó khăn thế nào.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, GS.TS Trần Văn Nhung đề xuất phương châm “mũi tên, hòn đạn”, tức là phải có người đi trước. Người giỏi phải đi trước, họ sẽ tìm ra cách để phát triển và sau đó có thể quay về giúp cho cộng đồng, kéo cả “đoàn tàu” đi lên. Dù ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hay khu vực vùng sâu, vùng xa đều cần người đi trước. Cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội.
Liên quan đến vấn đề nguồn tuyển giáo viên dạy môn Tiếng Anh, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp để gỡ khó. Với những địa phương đã tuyển giáo viên nhưng gặp khó khăn trong quá trình triển khai, tuyển dụng, không có nguồn tuyển, địa phương cần báo cáo với các cấp chính quyền để có những chính sách riêng của địa phương và hỗ trợ truyền thông rộng rãi.